Thứ bảy, 21/12/2024, 08:26

Xuân trong những nhà màng

Chủ nhật - 01/01/2023 08:25
Nói về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thông qua xây dựng và trồng các loại rau, củ quả trong nhà màng, nhà lưới, chưa nơi nào trong...

Mùa xuân Tây Bắc lạ lắm, không có mưa phùn lất phất bay như miền xuôi, thay vào đó là nắng vàng hanh hao, lẫn chút gió nhẹ. Trong ban mai nắng xuân, chị Hoàng Thị Luyến - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Uyên niềm nở giới thiệu với chúng tôi một số mô hình nhà màng xung quanh khu vực thị trấn huyện. Cơ sở đầu tiên chúng tôi được tham quan là 1.000m2 nhà màng trồng hoa thiên lý của anh Nguyễn Văn Dũng (tổ dân phố 21) đang vào độ nở rộ. Thời tiết này, nếu hoa thiên lý trồng tự nhiên sẽ rụi đi do sương muối. Nhưng nhờ được che chắn, không chịu tác động của gió, sương, nắng; được tưới, cấp ẩm điều độ nên giàn thiên lý của anh Dũng xanh mướt và nở những chùm hoa nặng trĩu giàn.
Được biết, để có giàn thiên lý mơn mởn thế này, anh Dũng đã dày công nghiên cứu đặc tính, cách thức trồng, chăm sóc, đặc biệt là cho hoa ra trái vụ. Qua nghiên cứu, anh Dũng chỉ ra: Đặc tính của thiên lý chỉ cần ra tán là cây ra hoa. Lúc cây mới leo giàn, tôi bấm ngọn để cây đẻ nhánh và sẽ tính toán cho hoa ra trái vụ. Đầu ra cho sản phẩm hoa thiên lý tôi đã tìm được mối; vụ hoa đầu tiên thành công.

Xuân trong những nhà màng

Vườn hoa thiên lý của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (tổ dân phố 21, thị trấn Tân Uyên).

Chúng tôi tiếp tục ngược dốc Chạm Cả lên thăm vườn dưa leo baby của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa (khu 17, thị trấn Tân Uyên). Chưa đầy 3 năm, giờ đây, ngoài 1.000m2 nhà màng là vườn cây trái sum suê với bưởi, mít và nhiều cây ăn quả khác. Tốp công nhân hăng hái thu hoạch lứa dưa mới, nở nụ cười tươi chào khách. Các chị đều là những lao động tại địa phương, được nhận vào làm với công việc và mức lương ổn định. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, từ khi trồng đến khoảng 28 ngày là có thể thu hoạch dưa leo baby. Vụ nào dưa tốt, sai quả có thể thu hoạch 1,5 tạ/ngày, 1 vụ thu hoạch được khoảng 2 tháng với tổng trọng lượng lên tới 3-4 tấn. Giá thị trường hiện nay trung bình 25.000 đồng/kg, chỉ cần 500m2 cũng cho thu nhập gần 90 triệu đồng/lứa.
Nhìn vào những “trái ngọt” trong nhà màng ở thị trấn Tân Uyên, chúng tôi vui lây cùng niềm vui của người nông dân cũng như ngành Nông nghiệp huyện. Giá trị kinh tế của các loại cây trồng trong nhà màng gấp 3-4 lần so với trồng thường. Những nông sản sạch đã trở thành sản phẩm OCOP độc đáo chỉ có ở Tân Uyên. 2 năm qua, huyện đã phát triển được 6 nhà màng, nhà lưới trên diện tích 0,82ha; trồng các loại như: dưa lưới, dưa leo baby, cà chua socola... Kết quả đạt được bước đầu cho thấy các giống cây trồng trong nhà màng theo hướng công nghệ cao cơ bản phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu; khẳng định đây là hướng đi đúng nhằm phát triển NNCNC trên địa bàn.
Anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện quan tâm hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, HTX và người dân có nhu cầu xây dựng nhà màng, nhà kính trong việc thiết kế, xây dựng, tổ chức sản xuất và hoàn thiện thủ tục đề xuất hỗ trợ kinh phí theo các chính sách của tỉnh. Hướng dẫn, đào tạo nghề nông cho nông dân, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Hướng dẫn giúp đỡ các đơn vị doanh nghiệp, HTX và nông dân xây dựng thương hiệu nông sản được chứng nhận OCOP, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tăng cường quảng bá, giới thiệu hỗ trợ các đơn vị bao tiêu sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới cũng còn một số khó khăn như: kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất; cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm; nguồn nhân lực có trình độ chưa cao, chưa đủ năng lực làm chủ công nghệ; việc tích tụ đất đai sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp, không ổn định... Nguyên nhân do nhiều loại nông sản chưa có thương hiệu; dự báo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm NNCNC chưa có hoặc chưa đầy đủ; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo; giá bán sản phẩm NNCNC còn cao so với mức thu nhập của người tiêu dùng.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng trước xuân mới, niềm tin vẫn đong đầy, với mục tiêu sẽ đạt đến con số tối thiểu 7ha sản xuất NNCNC trong nhà màng, nhà lưới, huyện sẽ quyết tâm thực hiện bằng mọi giải pháp. Trong đó sẽ định hướng tập trung ở các xã, thị trấn có điều kiện dọc quốc lộ 32, sản xuất các loại rau, như: Xà lách, bắp cải tím, cà chua bi, ớt chuông, dưa chuột bao tử...; các loại quả: dưa lưới, dâu tây... nhằm đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay9,458
  • Tháng hiện tại271,580
  • Tháng trước340,122
  • Tổng lượt truy cập83,870,050
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây