Lịch sử ngành Tài chính Lai Châu
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH TÀI CHÍNH LAI CHÂU (1962 -2020)
Ngày 28/8/1945 là mốc son ghi dấu sự ra đời của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam và đã trở thành ngày truyền thống hàng năm để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành kế thừa và viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng, giữ vững, phát triển nền tài chính quốc gia vì sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong những ngày đầu chính quyền cách mạng mới được thành lập với muôn ngàn khó khăn, đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, ngân khố gần như trống rỗng, với những chính sách động viên phù hợp, sức mạnh tổng hợp toàn dân được phát huy, các tầng lớp nhân dân đã chung tay, góp sức, góp công, góp của cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, đồng tiền tài chính Việt Nam đã được phát hành kịp thời, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng một nền tài chính cách mạng, độc lập, tự chủ, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Tài chính cả nước, ngành Tài chính Lai Châu từ khi được thành lập đến nay (tháng 1/1963) đã trưởng thành và phát triển không ngừng. Trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, Tài chính Lai Châu đã từng bước trưởng thành về mọi mặt.
Từ cuối năm 1962, tỉnh Lai Châu được tái lập theo chủ trương của Chính phủ, Ty Tài chính Lai Châu cũng được thiết lập trên cơ sở phân chia cán bộ từ Tài chính Khu tự trị Thái Mèo và tư các châu, huyện về với biên chế ban đầu chỉ có 26 người. Trong điều kiện ngân sách rất khó khăn: Nguồn thu chủ yếu dựa vào trợ cấp của ngân sách Trung ương, nguồn thu từ thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp có khá hơn trước, song tỷ lệ không đáng kể. Nhu cầu chi tài chính Nhà nước phần lớn là chi phát triển kinh tế, chi văn hóa, giáo dục, xã hội và một phần chi quản lý Nhà nước. Thời kỳ này, công tác tài chính đã góp phần tích cực trong cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc và cuộc vận động “3 xây, 3 chống” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Thời kỳ cả nước chiến tranh (1961 - 1975) với nhiệm vụ: vừa tiếp tục xây dựng CNXH , vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho miền Nam giải phóng đất nước. Đứng trước những khó khăn, thử thách, ngành Tài chính Lai Châu đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, tổ chức thực hiện tốt chế độ phân cấp quản lý tài chính ngân sách của TW, tích cực tăng thu để đáp ứng yêu cầu chi, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách để phục vụ 2 mục tiêu chiến lược của cách mạng, ra sức lao động sản xuất phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho Miền Nam, góp sức cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Thời kỳ 1976 - 1985, giai đoạn cả nước đi lên CNXN, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, ngành Tài chính đã tích cực tham mưu cho tỉnh có những giải pháp tích cực đảm bảo cân đối tài chính phục vụ cho khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tậng, mở rộng phát triển sản xuất, quản lý lưu thông phân phối, đưa kinh tế xã hội của tỉnh từng bước phát triển. Từ năm 1963 - 1985 đã đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm của tỉnh như: Công trình thủy nông Nậm Rốm, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Thủy điện Thác Bay...
Từ năm 1990 trở lại đay: Công tác chi ngân sách của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng: Bệnh viện, trường học, đường giao thông; có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc.
Đặc biệt từ năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 22/2013/QH của Quốc hội; Tỉnh Lai Châu mới được thành lập. Với thực trạng sau chia tách quy mô kinh tế nhỏ bé, cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn hết sức khó khăn. Phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Chính phủ, Bộ Tài chính; sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các cấp, các ngành và tinh thần ủng hộ của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, ngành Tài chính Lai Châu đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết phấn đấu vươn lên, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh trong giai đoạn từ khi tái lập tỉnh đến nay, cụ thể:
* Thời kỳ 2004 - 2010: Sau khi chia tách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhất là giao thông, giáo dục, y tế, điện nước; thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc. Chất lượng và tiến độ một số công trình xây dựng cơ bản chưa đảm bảo, công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư còn hạn chế. Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu hiệu quả thấp; tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cơ sở vật chất các cơ quan tỉnh, huyện Tam Đường, nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ, thiên tai mưa đá, rét, gió lốc, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số nơi; một số nhân tố gây mất ổn định chính trị, những diễn biến về giá cả thị trường... đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, tư tưởng và đời sống Nhân dân.
Trong điều kiện chung của toàn tỉnh, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Bộ, ngành trung ương, ngành tài chính đã từng bước vượt qua khó khăn tham mưu cho tỉnh xây dựng định hướng, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, thu, chi ngân sách; tập trung xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn bộ máy, tổ chức cán bộ ngành tài chính từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng cơ chế chính sách nhằm khai thác các nguồn lực, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương cho đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị làm việc cho bộ máy chính quyền, đảng, đoàn thể; đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, kinh phí an ninh - quốc phòng trên địa bàn toàn Tỉnh.
Ngành Tài chính Lai Châu đã đóng góp vào thành tựu chung toàn tỉnh : Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 8 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp 34%; công nghiệp - xây dựng 35%; dịch vụ 31%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; Thực hiện thành công chương trình di dân tái định cư các công trình thủy điện, đầu tư xây dựng mới hàng trăm điểm, khu tái định cư, di chuyển và tiếp nhận an toàn hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng ngập các thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huổi Quảng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, được các cấp, các ngành chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều chuyển biến. Thu ngân sách đạt kết quả cao, đã quản lý, khai thác khá tốt các nguồn thu. Năm 2004 từ số thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 38.528 triệu đồng, năm 2005 đạt 64.898 triệu đồng thì đến năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 250 tỷ đồng, tăng hơn 3,3 lần so với năm 2005, vượt chỉ tiêu đại hội. Chi ngân sách bảo đảm đúng chế độ, chính sách, thực hiện tốt tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Như vậy, sau 25 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) tỉnh Lai Châu đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
* Thời kỳ 2010 - 2015: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Với mục tiêu đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn do Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, xa các trung tâm kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; xuất phát điểm nền kinh tế thấp, sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, môi trường đấu tư và kinh doanh chưa thuận lợi. Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho phát triển lớn trong khi khả năng đầu tư của Trung ương và nội lực của tỉnh có hạn, tình hình lạm phát, giá cả một số mặt hàng tăng cao, diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh phức tạp...Vượt qua những khó khăn, thử thách: Ngành Tài chính Lai Châu đã bám sát chức năng, nhiệm vụ tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Bộ, ngành trung ương đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy đảng chính quyền các huyện, thành phố chủ động tham mưu đề xuất, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước:
Sở Tài chính đã tham mưu ban hành các cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế của tỉnh, tranh thủ thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và doanh nghiệp cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Xây dựng đô thị tỉnh lỵ, xây dựng trụ sở trung tâm hành chính các huyện mới chia tách. Tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hoàn thành các vùng chuyên canh lớn như: Phát triển trồng cây cao su, chè...Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tài định cư các công trình thủy điện; ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư cơ sở y tế, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, đường giao thông, các công trình thủy lợi.... Đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh- quốc phòng. Tập trung tham mưu thu ngân sách, khai thác, quản lý tốt nguồn thu, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi thường xuyên, đột xuất của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thu, chi ngân sách. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành Tài chính ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý đã được quan tâm đúng mức và từng bước hiện đại hóa công nghệ quản lý. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã trưởng thành, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng tham mưu, tinh thần, thái độ phục vụ, kỷ luật, kỷ cương của các đơn vị trong hệ thống tài chính ngày càng được nâng cao, có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.
Sau gần 30 năm đổi mới, 12 năm chia tách, thành lập, tỉnh Lai Châu đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng, đã cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đóng góp chung vào sự phát triển nền kinh tế của tỉnh. Giai đoạn này nền kinh tế của tỉnh phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng GPDP bình quân 7,9%/năm, bình quân đầu người năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2010. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2010, đã vượt mục tiêu thu so Nghị quyết Tỉnh đảng bộ lần thứ XII đề ra đến năm 2015; quản lý, sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Tín dụng tăng trưởng tích cực, dự nợ đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 13.000 tỷ đồng, bình quân tăng 25%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng: Đã huy động gần 15.000 tỷ đồng tiền vốn NSNN và hàng nghìn tỷ đồng vốn của các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị thành phố Lai Châu, trị trấn và nông thôn ở các huyện; thị xã Lai Châu được nâng cấp lên Thành phố trực thuộc tỉnh năm 2013. Hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình văn hóa - xã hội, thương mại, du lịch được quan tâm đầu tư, nhiều công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả. Tiềm năng, lợi thế về công nghiệp thủy điện được khai thác, phát huy; các dự án thủy điện lớn như Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, Nậm Na 2, Nâm Na 3,.. đã và đang triển khai đầu tư; một số dự án hoàn thành, đưa vào khai thác phát huy hiệu quả. Sản lượng điện năm 2015 đạt 851 triệu Kwh, tăng 87 lần so với năm 2010. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Hoạt động xuất, nhập khẩu được duy trì, có bước phát triển. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2015 đạt 12 triệu USD, giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 5 triệu USD, tăng 1,2 lần so với năm 2010.
* Thời kỳ 2015 -2020: Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, với mục tiêu đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.
Bám sát các mục tiêu nhiệm vụ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ngành Tài chính Lai Châu tích cực, chủ động tham mưu xây dựng ban hành các cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư vào tỉnh với mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạng tầng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, thuế. Thực hiện tốt việc tạo và nuôi dưỡng các nguồn thu để tăng thu ngân sách một cách vững chắc, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả ngân sách địa phương, ưu tiên cho đầu tư phát triển. Tăng cường huy động các nguồn vốn tín dụng; đảm bảo nguồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo; chú trọng chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt.
Giai đoạn này, nền kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc với những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; so với năm 2004, thu ngân sách địa phương tăng 62 lần, đạt hơn 2.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm, tăng 13 lần. Nhiều dự án thủy điện được đầu tư xây dựng, nhất là thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát hoàn thành phát điện, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống giao thông nông thôn, đường liên vùng, liên tỉnh ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sản xuất của nhân dân.
Cùng với sự phát triển của ngành Tài chính Việt Nam, 58 năm qua, ngành Tài chính Lai Châu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thu ngân sách hàng năm đều tăng, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần không nhỏ đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Ngành Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu quản lý tài chính, tài sản, thu chi ngân sách thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Tài chính là một trong các ngành đi đầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và tài chính, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Trải qua 15 năm tái lập tỉnh, ngành Tài chính Lai Châu đã thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức và thực hiện hiệu quả khai thác các nguồn lực tài chính cho tỉnh để phục vụ nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Trong đó, thành tích nổi bật là việc triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước với tốc độ tăng thu cao qua các năm, năm 2019 tổng thu NSNN trên địa bàn đạt: 2.206 tỷ đồng, tăng 234,48 % so với thực hiện năm 2015 và tăng 3,5 % so Nghị quyết Tỉnh ủy giao đến năm 2020. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, tăng thu bình quân trên 90 tỷ đồng/năm. Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 87% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 97% năm 2019. Với quy mô thu giai đoạn 2016-2020 thì tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 12%GRDP. Về cơ cấu thu, tỷ lệ thu nội địa chiếm tỷ trọng 99% trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt việc phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính; tăng dần tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, chú trọng sự nghiệp giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách, các quy định của Trung ương và của tỉnh, bảo đảm hoạt động tài hiệu quả, đúng pháp luật.
Vui mừng trước những thành tựu đạt được, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong giai đoạn mới, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tài chính quyết tâm tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân đã giao phó. Mỗi cán bộ tài chính Lai Châu nhất định sẽ xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ngành; giữ vững và phát huy tô thắm nét son của ngành Tài chính.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành tài chính trong những năm qua; nhiều đơn vị, nhiều cá nhân trong ngành tài chính đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành trung ương và UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý, tô thắm thêm bề dày truyền thống và thành tích của ngành. Bên cạnh những thanh thành tích của tập thể và cá nhân qua hoạt động thực tiễn và quá trình rèn luyện phấn đấu của cán bộ nhiều đồng chí cán bộ trong ngành đã trưởng thành và phát triển được đảng và nhà nước giao giữ những vị trí quan trọng của ngành, của địa phương và trung ương.
Trước yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức, là một ngành tổng hợp, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, sứ mệnh và trách nhiệm của ngành tài chính là rất to lớn và nặng nề. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; Ngành phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục đổi mới nền tài chính phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước, của Tỉnh; tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhanh và bền vững.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hoạt động tài chính thông suốt, chất lượng và hiệu quả. Chú trọng trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn theo hướng bình đẳng, thông thoáng thống nhất, công khai, hiện đại phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của cả nước và tiến trình hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm những sai phạm, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật tài chính; công khai, minh bạch và hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền, tài sản được Nhà nước góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
- Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện phê bình và tự phê bình, tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 về công tác xây dựng Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu; tăng cường đoàn kết nội bộ, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng đáng là cán bộ tài chính của dân, do dân và vì dân.
Ngành Tài chính đã trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành; Với truyền thống vẻ vang của Ngành, nhất là phát huy những thành tựu và kinh nghiệm quý báu đã có được trong sự nghiệp đổi mới của đất nước và của Ngành Tài chính Việt Nam, Tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tài chính Lai Châu sẽ luôn đoàn kết thống nhất, không ngừng năng động, sáng tạo, nỗ lực quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, xây dựng và phát triển quê hương Lai Châu ngày càng hiện đại, văn minh.
Đạt được những thành quả trên là do ngành tài chính đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đương lối của Đảng, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã trân trọng, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu được vun đắp qua nhiều thế hệ và nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trƣờng và công tác quản lý giá tháng 10 năm 2023
Thống kê truy cập
- Đang truy cập47
- Hôm nay4,490
- Tháng hiện tại242,408
- Tháng trước359,313
- Tổng lượt truy cập83,500,756