Thứ ba, 21/01/2025, 02:45

Nông nghiệp Lai Châu - một năm nhìn lại

Thứ năm - 29/12/2022 11:34
(BLC) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh, thiên tai nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu trong năm 2022 có nhiều chỉ...

Toàn tỉnh có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 526 nghìn hécta, chiếm 58,06% diện tích đất tự nhiên; đất sản xuất nông nghiệp trên 111 nghìn hécta, chiếm 12,25% diện tích đất tự nhiên. Địa hình chia cắt mạnh bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và hệ thống lưu vực sông Đà tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng khác nhau, có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc sản, chất lượng. Đó là các loại cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, rau, hoa, củ quả các loại…

Đây chính là cơ sở để tỉnh xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là một trong 4 chương trình trọng điểm tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV.

Với lộ trình, kế hoạch, định hướng cụ thể, rõ ràng, ngay từ đầu năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách; tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp. Triển khai mạnh hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Than Uyên thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Bản Chát.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Than Uyên thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Bản Chát.

Đến nay, đã có khoảng 116 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép vào khảo sát đầu tư: trồng rừng, dược liệu, mắc ca, nuôi lợn, chế biến phân bón hữu cơ, chế biến thức ăn gia súc... Trong đó, 45 dự án được chấp thuận đầu tư. Việc doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, liên kết sản xuất tạo dấu ấn rất đặc biệt đối với ngành Nông nghiệp khi xuất hiện nhiều mô hình sản xuất gắn với chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi hàng hóa tập trung.

Quyết tâm đạt chỉ tiêu, kế hoạch giao trong năm 2022, UBND huyện Tam Đường tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tạo cơ chế thông thoáng, đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, liên kết lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất của Chính phủ, của tỉnh trong sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Vùng chè huyện Tân Uyên ngoài mang lại giá trị kinh tế còn thu hút đông đảo du khách đến nơi đây.

Vùng chè huyện Tân Uyên ngoài mang lại giá trị kinh tế còn thu hút đông đảo du khách đến nơi đây.

Nhờ đó, trong năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực của huyện Tam Đường đạt 8.988ha (đạt 100,3% kế hoạch); tổng sản lượng lương thực 41.410 tấn; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 7%/năm... Công ty TNHH MTV giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù, tẻ râu. Một số đơn vị đầu tư dự án phát triển cây mắc ca, mở rộng diện tích trồng chanh leo, bí đao xanh, nuôi ong... Góp phần tăng thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%, đạt 166,7% kế hoạch.

2022 là một năm có nhiều khởi sắc đối với ngành Nông nghiệp của Sìn Hồ. Bởi đã tìm ra đáp án cho bài toán trồng cây gì để phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững. Thời điểm hiện tại, toàn huyện có hơn 670ha dược liệu các loại. Song song với mở rộng diện tích, huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trồng, đầu tư dây chuyền chế biến, bao tiêu sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Điển hình như Công ty TNHH Sơn Hà dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, Hợp tác xã (HTX) dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, HTX nông sản Sìn Hồ, HTX Mý Dao với 10 sản phẩm chế biến sâu gồm: các loại cao đẳng sâm, cao củ, cao hoa atiso; cao nấm linh chi, đỗ trọng, phong tê thấp gia truyền, dấm táo mèo, chè dây cao nguyên Sìn Hồ…

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở ngành và huyện Sìn Hồ thăm mô hình dứa tại xã Nậm Tăm.

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành và huyện Sìn Hồ thăm mô hình dứa tại xã Nậm Tăm.

Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do UBND tỉnh tổ chức tháng 12/2021, Công ty Cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc đã liên kết với Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ đầu tư Trung tâm giống cây trồng dược liệu công nghệ cao, tập trung chủ yếu là giống sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu, áp dụng hệ thống nhà lưới công nghệ Nhật Bản với diện tích 1.000m2. Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng sâm Lai Châu với diện tích trên 1ha.

Tại xã vùng thấp Nậm Tăm, Công ty cổ phần đầy tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên liên kết với người dân bản Nậm Lò trồng 20ha dứa làm nguyên liệu chế biến nước uống và hiện đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với năng suất rất cao. Điều đó, đã mở ra hướng thoát nghèo và thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây và có đáp án thỏa đáng cho bài toán giảm nghèo bền vững của huyện Sìn Hồ.

Với sự đồng hành của ngành Nông nghiệp, phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi, chuyển dần sang sản xuất tập trung phục vụ nhu cầu thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ, lẻ từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn.

Nhân dân xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè chăm sóc cây sâm Lai Châu.

Nhân dân xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè chăm sóc cây sâm Lai Châu.

Năm 2022, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt 5,1%, vượt kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt 225 nghìn tấn, vượt 1.500 tấn so với kế hoạch. Diện tích chè trồng mới và cây ăn quả đều vượt cao so với kế hoạch. Tốc độ tăng đàn gia súc 5%. Đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP, riêng năm 2022 công nhận 52 sản phẩm của 80 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Phong trào xây dựng nông thôn mới được thúc đẩy và lan tỏa, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Khai thác lợi thế bằng nhiều giải pháp, với những thành quả đạt được là nền tảng quan trọng cho Lai Châu tiếp tục giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tác giả: Phương Ly - Hồng Thắm

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập53
  • Hôm nay8,728
  • Tháng hiện tại302,895
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,359,273
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây