Thứ tư, 22/01/2025, 01:56

Covid-19 & bài toán tiết kiệm, hiệu quả

Thứ ba - 05/04/2022 21:14
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn...

Covid-19 & bài toán tiết kiệm, hiệu quả

Công nhân Công ty Điện lực Hà Nam tuyên truyền hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho các hộ sản xuất thuộc làng nghề dệt huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NGỌC HÀ

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong suốt hai năm dịch bệnh, đã có sự thay đổi đáng kể trong cách thức sử dụng năng lượng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất.

Ông Trịnh Quốc Vũ-Phó Vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương nêu ra một thí dụ: Đối với một chiếc tàu đánh bắt cá, việc chuyển đổi ánh sáng để câu mực hay đánh bắt cá từ ánh sáng đèn sợi đốt trước đây sang ánh sáng đèn LED giúp tiết kiệm được 6-7 lần chi phí năng lượng. Còn nếu dùng các giải pháp sử dụng pin năng lượng mặt trời trên nóc tàu cũng mang lại tiềm năng tiết kiệm dầu diesel, tiết kiệm năng lượng rất lớn cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rất tích cực…

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc quan tâm hiệu quả năng lượng thông qua đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo công suất lớn vào hệ thống điện quốc gia theo xu hướng chung của thế giới, thì việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào quá trình sản xuất và tiêu dùng-một hợp phần quan trọng được xác định trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của quốc gia cũng được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể áp dụng khá hiệu quả thời gian gần đây.

Đại diện cho một doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng trong sản xuất, ông Đinh Văn Chung-Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chia sẻ, có đến 70% tổng sản lượng điện phải sử dụng của công ty là nhờ vào việc thu hồi nhiệt dư và khí thải phát ra môi trường tận dụng lại để phát điện. Tới đây, công ty còn đặt mục tiêu đạt hơn 80%. Xu thế sử dụng các giải pháp tiết kiệm điện, thu lại nguồn nhiệt thải để tái sử dụng, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng và nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hiệu suất cao, sử dụng ít điện năng và thân thiện hơn với môi trường... đang được nhiều doanh nghiệp triển khai áp dụng.

Với năng lực sản xuất hơn 40.000 tấn sản phẩm/năm, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam thuộc diện "cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm", tiêu thụ điện năng lớn. Ông Chu Thái Sơn-Giám đốc Công ty cho biết: Để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ, cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, tiết kiệm năng lượng còn góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến chi phí dịch vụ logistics hàng xuất khẩu tăng cao.

Bắt nhịp với xu thế này, Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, sẽ triển khai dự án Dung Quất 2 công suất 5,6 triệu tấn/năm trong năm 2022 này, với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn, đồng thời áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các nguồn phát thải để tái sử dụng.

Dẫu vậy, tiết kiệm năng lượng chưa phải là câu chuyện của số đông doanh nghiệp. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay siêu nhỏ khó khăn đã đành. Nhưng số lượng doanh nghiệp lớn, có thể trụ vững và quan tâm đầu tư, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng trước những tác động của đại dịch Covid-19 là không nhiều.

Dịch Covid-19 đã khiến việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một số tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương..., ông Trịnh Quốc Vũ cho biết thêm. Kết quả khảo sát, đánh giá về tính tuân thủ của các doanh nghiệp với việc kiểm toán năng lượng trong năm 2021 cho thấy, việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng chỉ ở mức 30-40%, đây là mức thấp. Cụ thể, cả năm 2021 mới kiểm toán năng lượng được 91 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; xây dựng mô hình quản lý năng lượng được 17 cơ sở; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng cho 11 cơ sở; mới có 12 tòa nhà được đánh giá hiệu quả năng lượng...

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là việc, trong năm 2020 và năm 2021, vẫn còn hạn chế trong các hoạt động về hỗ trợ kỹ thuật và triển khai các hoạt động sử dụng nguồn ngân sách trung ương cho Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả do nguồn kinh phí khó khăn. So với quy mô toàn quốc, thì nguồn kinh phí 10 tỷ đồng trong năm 2020 và 30 tỷ đồng trong năm 2021 chỉ như muối bỏ bể.

Trong khi thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta là rất lớn. Hiện nay, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Theo tính toán của ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)-trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm" được Thủ tướng Chính phủ ban hành-các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên, hiện cả nước có 2.961 cơ sở - hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, với mức tiêu thụ điện bình quân là 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc. Nếu các doanh nghiệp này thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 2.700 tỷ đồng.

Điều đáng nói, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn, điều quan trọng là chúng ta cần đưa ra được những chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế-xã hội. Đồng thời, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao... Căn cơ trong sử dụng năng lượng chính là giải pháp không thể xem nhẹ trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định rõ, để "bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững...", cùng với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trên cơ sở "cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả", đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm cường độ năng lượng.

Tác giả: Cập nhật Thứ Năm, 31-03-2022, 17:37/NGUYÊN LONG/nhandan.vn

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập162
  • Hôm nay8,179
  • Tháng hiện tại315,396
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,371,774
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây