Để mỗi điểm đến an toàn
Người dân và khách du lịch vui chơi tại khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: ANH SƠN
Mở cửa nhưng không buông lỏng
Đêm 18/3, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chính thức mở cửa trở lại phố đi bộ quanh Hồ Gươm và phụ cận sau gần một năm tạm dừng vì dịch Covid-19. Để bảo đảm phòng, chống dịch, tại trước các chốt trực lối vào không gian đi bộ, cơ quan chức năng bố trí máy đo thân nhiệt tự động và yêu cầu người dân, du khách khi tham gia vào không gian đi bộ phải thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Quận bố trí phòng, khu vực cách ly tạm thời cho du khách khi có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh, thực hiện xử trí đưa về khu vực cách ly tạm thời. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh, không được chủ quan.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, để đón đầu xu hướng du khách lựa chọn du lịch xanh, Sở Du lịch thành phố đã phối hợp với TP Thủ Đức, các quận, huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7,… để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Sáu tour mới giúp gia tăng thời gian lưu trú của khách. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng kết nối các tỉnh phát triển các tour liên kết vùng.
Thời điểm này, nhiều địa phương cũng đã lên kịch bản bố trí khu riêng, phòng riêng điều trị nếu du khách bị F0, mà không đưa vào cơ sở y tế cách ly. Cùng với đó, sẽ chăm sóc y tế tốt nhất để F0 khỏi bệnh, nghỉ ngơi một vài ngày và tiếp tục cùng tham gia với đoàn. Điều này giúp khách du lịch tránh tâm lý lo lắng, hoảng sợ khi đoàn đến nhưng có trường hợp F0. Trường hợp bệnh nặng, các ca dương tính sẽ được đưa đến cơ sở y tế chăm sóc theo quy định của Nhà nước.
Chú trọng tính đặc thù của loại hình du lịch
Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3 với việc khôi phục lại các chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách xuất nhập cảnh như giai đoạn trước Covid-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới hai tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ (nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP), hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh. Bộ Y tế cho biết, đã có ba bệnh viện gồm: Bệnh viện E, K và Bạch Mai ở Hà Nội triển khai thí điểm cấp hộ chiếu vaccine, dự kiến từ tuần sau sẽ cấp hộ chiếu vaccine cho người có nhu cầu.
Các quy định về y tế khi mở cửa du lịch đã rõ ràng, tuy nhiên theo đại diện một doanh nghiệp du lịch, cần nhất lúc này là các hướng dẫn cụ thể, có quy chế chung thống nhất để doanh nghiệp yên tâm triển khai, thông tin đến đối tác nước ngoài cũng như du khách quốc tế. Dù đã có các quy định về y tế nhưng để thành chương trình hành động về tổ chức đón khách an toàn thì cần rà soát từng khâu nhỏ để bảo đảm thông suốt cho khách và thật sự tạo thuận lợi vì có nhiều quy định tưởng nhỏ nhưng lại rất phiền hà. Như việc khai báo y tế tại các sân bay và cửa khẩu nhập cảnh. Theo quy định, muốn nhận mã số OTP phải có số điện thoại, nhưng người mới nhập cảnh chưa kịp mua sim nên loay hoay mãi không thể nhập cảnh được và bị kẹt rất lâu ở sân bay.
Về các thủ tục xét nghiệm Covid-19 và phương án điều trị nếu không may nhiễm bệnh, theo các chuyên gia, trong quá trình lưu trú, khi phát hiện khách F0, các khách sạn đều phải báo với y tế địa phương. Việc phân loại bệnh nhân và lưu bệnh nhân tại khách sạn để theo dõi hay phân tuyến đưa đến các bệnh viện để điều trị sẽ tùy vào tình trạng sức khỏe của du khách. Với các trường hợp đặc biệt chưa tiêm vaccine, vẫn có thể nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên du khách phải tự bảo vệ mình và thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, thường xuyên kiểm tra sức khỏe trong quá trình du lịch. Các chuyên gia lưu ý, du khách trước khi lên máy bay đã phải khai báo y tế, nhưng khi lưu hành ở Việt Nam, phải tiếp tục khai báo trên phần mềm PC-Covid. Về việc xét nghiệm tập trung khi xuất cảnh về nước, đề nghị các khách sạn có khách lưu trú phải có kế hoạch báo với y tế địa phương để hỗ trợ xét nghiệm ngay tại khách sạn khi đoàn khách có nhu cầu.
Và để việc mở cửa sao cho an toàn, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, việc mở cửa cho du khách quốc tế thì cần mở cửa các hoạt động một cách đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách. Cùng với đó là dự phòng đồng bộ, các nhà hàng, quán ăn, phố đi bộ phải bảo đảm các nguyên tắc phòng dịch như: khử khuẩn, đeo khẩu trang..., nếu không dịch sẽ có thể bùng lên. "Ở các nhà hàng có thể không đeo khẩu trang nhưng khử khuẩn, bố trí các nhóm khách khác nhau ngồi ở các bàn có khoảng cách. Chúng ta cần thông thái trong thực hiện 5K tối đa có thể. Điều quan trọng nhất, ngành du lịch cần xây dựng phương án theo từng đặc thù của các loại hình du lịch", ông đề xuất. Vị chuyên gia nhấn mạnh, để mở cửa an toàn thì những người làm dịch vụ cần phải được tiêm vaccine đầy đủ.
Tác giả: Cập nhật Thứ Năm, 24-03-2022, 14:06/VĨNH ĐĂNG/nhandan.vn
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trƣờng và công tác quản lý giá tháng 10 năm 2023
Thống kê truy cập
- Đang truy cập29
- Hôm nay8,457
- Tháng hiện tại279,171
- Tháng trước359,313
- Tổng lượt truy cập83,537,519