Thứ năm, 21/11/2024, 17:28

Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương

Thứ sáu - 08/04/2022 20:56
Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, với Nhân dân ta các Vua Hùng được coi là vị tổ dựng nước, là tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng...

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước với niềm tin cả dân tộc có cùng chung một giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ). Trước năm 1917, các triều đình quân chủ tổ chức giỗ Tổ vào mùa Thu. Riêng ở Phú Thọ (tức đất Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang xưa, nơi có đền thờ các vua Hùng), dân chúng cử hành lễ giỗ vua Hùng thứ 18 (vua Hùng cuối cùng) vào ngày 11/3 âm lịch. Từ đó, ngày mồng 10 tháng 3 trở thành ngày quốc lễ để toàn dân Việt Nam thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Quốc Tổ, “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non mãi nước non nhà ngàn năm” (ca dao).

Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương

Với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương"- Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 được tổ chức gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dựng nước trong những ngày sơ khai của lịch sử dân tộc là một công việc vô cùng khó khăn và gian khổ, đòi hỏi các Vua Hùng phải là người có tài năng, trí tuệ, nghị lực và lòng quyết tâm phi thường, nhưng việc gìn giữ đất nước mà cha ông bao đời gây dựng còn khó khăn gian khổ gấp bội phần. Chính vì thế trong chuyến thăm đền Hùng vào sáng 19/9/1954, Bác Hồ đã nghiêm túc nhắc nhở toàn thể cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, Nhân dân ta đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn.

Nhất là từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, càng làm cho mỗi người dân đất Việt không những thấu hiểu, tự hào, mà còn được cộng đồng dân tộc thế giới tôn vinh, giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng, là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào về truyền thống và khát vọng vươn lên của một đất nước kinh qua các thăng trầm biến thiên của lịch sử đang vươn lên khẳng định vị thế và tầm cao mới. Đứng trước bàn thờ các Vua Hùng, con cháu sum vầy nơi “Sơn chầu-Thủy tụ” đất Phong Châu, như mạch nước ngầm chảy mãi tự ngàn sâu. Trước mắt chúng ta lớp lớp dàn chim lạc như đang sải cánh bay về rực rỡ trên bầu trời dân tộc và hóa thân vĩnh cửu trên mặt trống đồng, trên các phù điêu của nền văn hóa Văn Lang. Lịch sử và lòng người đã khắc ghi công ơn, tâm đức và phong thái của các thế hệ vua Hùng nối tiếp nhau dựng nước Văn Lang của người Việt Cổ-nơi khai sinh và truyền giữ nền văn minh lúa nước cũng như nền văn minh sông Hồng rực rỡ là “quốc hồn, quốc túy” tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt Nam hôm nay, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 với chủ đề: Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương. Đến nay, công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương đã cơ bản hoàn tất. Điểm nổi bật của năm nay là nhiều hoạt động gắn với kỷ niệm 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO ghi danh.

Theo ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đến nay công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 đã cơ bản hoàn tất, bao gồm các hoạt động phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ tại Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích. Phần hội gồm 12 nội dung với nhiều hoạt động truyền thống như: hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ; biểu diễn đánh trống đồng, đâm đuống; lễ hội truyền thống đình Hùng Lô; giải bơi chải trên hồ công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao phục vụ lễ hội Đền Hùng vào tối 9/3 âm lịch…

Ông Lê Trường Giang cho biết, điểm nhấn trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 là các hoạt động kỷ niệm 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa”. Ngoài ra, Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch Phú Thọ tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội Đền Hùng và kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

“Các nội dung hoạt động quảng bá, tuyên truyền về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đẩy mạnh và đậm nét. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngoài các lễ hội, chúng tôi tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Hùng Vương. Trong đó có trưng bày, giới thiệu với khách tham quan những hình ảnh, hiện vật thể hiện sự lan tỏa, minh chứng cho sức sống của tín ngưỡng này. Trong ngày 10/3, tỉnh Phú Thọ cũng vận động người dân thực hiện mâm cúng gia tiên, nhớ về cội nguồn” - ông Lê Trường Giang nói.

Để chuẩn bị đón đồng bào cả nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã hoàn tất công tác sửa chữa, cải tạo, bổ sung các phương án an toàn, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy… Hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh đều được sửa chữa nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Ông Lê Trường Giang khẳng định sẽ không có người ăn xin, bán hàng rong trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Đơn vị đã thành lập các đội tự quản để cung cấp dịch vụ gánh lễ giúp du khách, tránh tình trạng lộn xộn, tranh giành.

Theo đại diện Khu di tích lịch sử Đền Hùng, gần đây lượng du khách tới Đền Hùng đã tăng trở lại, đặc biệt là dịp cuối tuần. Dự báo lượng khách sẽ gia tăng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ông Lê Trường Giang khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để xây dựng phương án chuẩn bị đón khách, kể cả khi lượng khách tăng cao đột biến. Đơn vị cũng thắt chặt quản lý các hàng quán, chất lượng dịch vụ và niêm yết giá cả ổn định để phục vụ Nhân dân về dự lễ hội.

Về giảm tải, hạn chế ùn tắc tại Đền Hùng, năm nay ban tổ chức bổ sung nhiều hoạt động cùng các khu vực trải nghiệm để người dân và du khách có thêm lựa chọn, lập kế hoạch dâng hương, tham quan và nghỉ ngơi hợp lý hơn. Ông Lê Trường Giang cho biết: “Trong trường hợp lượng khách quá đông, chúng tôi vận động bà con dành thời gian tham quan triển lãm, xem múa rối nước, trải nghiệm trò chơi dân gian trong khuôn viên Đền Hùng để giảm tải cho khu vực dâng hương. Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng bố trí thêm các dịch vụ cắm trại, dã ngoại, vui chơi giải trí cho trẻ em để phục vụ du khách”.

Được biết, Đền Hùng linh thiêng, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn được phủ rộng nhiều nơi trên khắp đất nước. Hiện, cả nước có tổng số 1.417 di tích thờ cúng các Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương. Ngoài ra còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và cư ngụ.

Tác giả: P.V

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay10,762
  • Tháng hiện tại250,953
  • Tháng trước359,313
  • Tổng lượt truy cập83,509,301
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây