Sau cơn mưa, trời sẽ sáng
Chế biến tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản BNA Ba Chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: Trung Hiếu
Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc
Các chuyên gia kinh tế thế giới đều chung nhận định, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và Việt Nam khó đứng ngoài vòng xoáy này. Việt Nam đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, với tỷ lệ phủ sóng vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, "gió đã đổi chiều" và kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Bất chấp đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn dự báo năm 2022 từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty cổ phần Chứng khoán VnDIRECT cho đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ. Tính đến giữa tháng 12/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 633,22 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu sáu năm liên tiếp và dự báo xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế năm 2022. Sputnik nhận định, các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam cho thấy "quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều phi thường".
Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá: Năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, có nhiều tiềm năng hơn, thông qua hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC có trụ sở tại London (Anh) dự báo: Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,8% vào năm 2022. Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Ông khẳng định: "Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các FTA mà Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt".
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Đình Nam
Bước vào "chu kỳ phép lạ" kinh tế Ðông Á
Bất chấp những tác động từ làn sóng mới của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp đến từ Canada vẫn lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong trung hạn và những cơ hội kinh doanh trong tương lai.
Ông Marc Djandji, Giám đốc ASEAN Strategy Group Limited (cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, xuất, nhập khẩu, tư vấn quản lý,…), nhận định Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên thế giới và là một nền kinh tế duy trì sức phục hồi tốt. Ông dự báo: Trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc, được thúc đẩy nhờ quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút FDI và sức tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chế tạo.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Phil Witherington, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Manulife nói: "Chúng tôi vẫn rất lạc quan về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù dịch Covid-19 có thể gây tác động ngắn hạn, tiềm năng của thị trường trong thời gian dài hạn vẫn mạnh mẽ và vững vàng. Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn để bảo vệ người lao động và khách hàng tại Việt Nam, cũng như nỗ lực hành động để khuyến khích kinh tế phát triển".
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh: "Không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam khi gặp khó khăn và trở ngại". Điều này đã được lịch sử kiểm nghiệm. Ông Evans khẳng định, dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, trong trung hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn quen thuộc với Việt Nam, vẫn đang tiếp tục đầu tư vào thị trường này. Các lĩnh vực xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản cũng đang có tín hiệu tích cực khi ngày càng nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau chiến dịch tiêm chủng vaccine, cũng như sự gia tăng nhu cầu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Việt Nam đang rất sẵn sàng cho tương lai, với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát, dòng vốn FDI tăng mạnh, đặc biệt là trong sản xuất. Với những điểm mạnh đó, HSBC dự báo kinh tế Việt Nam có triển vọng đáng tin cậy về lâu dài.
The Economist nhận định: Dù Việt Nam đang đối mặt đại dịch, nhưng vẫn có thể lạc quan về một đất nước dường như đang trong giai đoạn đầu bước vào "chu kỳ phép lạ" kinh tế Đông Á. Thị trường tiêu dùng của Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư, nhất là khi quốc gia này là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Và tất nhiên, góp phần tạo nên những dự báo đầy ánh sáng này, chiến lược "ngoại giao vaccine" nói riêng cũng như những nỗ lực đối ngoại nói chung của Việt Nam, trên cả các cương vị như Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay Chủ tịch ASEAN năm 2020, cùng những sáng kiến kết nối và thúc đẩy hợp tác quốc tế mà Việt Nam đề xuất, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò then chốt trong công cuộc duy trì sự ổn định của kinh tế-xã hội đất nước, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng nhân dân.
Những đóng góp của Việt Nam là rất có giá trị!
"Việt Nam phải trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy ở bề nổi, thí dụ như vấn đề vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột hay hành động giải quyết vấn đề bom mìn.
Tất cả những vấn đề này đều rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Chính vì vậy, nếu không có Việt Nam, tôi nghĩ Hội đồng Bảo an có thể chệch hướng trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết như vậy, cho nên những đóng góp của Việt Nam là rất có giá trị trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (LHQ)".
Bà Barbara Woodward-Đại sứ Anh tại LHQ trả lời phỏng vấn TTXVN.
Tác giả: Cập nhật Thứ Sáu, 31-12-2021, 17:42/ĐÔNG ĐÔ/nhandan.vn
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trƣờng và công tác quản lý giá tháng 10 năm 2023
Thống kê truy cập
- Đang truy cập12
- Hôm nay8,457
- Tháng hiện tại276,854
- Tháng trước359,313
- Tổng lượt truy cập83,535,202