Thứ tư, 22/01/2025, 02:04

Khởi sắc huyện biên giới Phong Thổ

Thứ ba - 04/01/2022 04:53
Mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, nhưng năm qua, huyện biên giới Phong Thổ vẫn có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực, nhất là nông...

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vương Thế Mẫn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2021, Phong Thổ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thứ nhất, làm tốt việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch về lĩnh vực nông nghiệp, điều này, thể hiện rõ qua Đề án “Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với kinh tế cửa khẩu”. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: chè, mắc-ca, mía, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Thứ hai, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay, huyện có hệ thống khu du lịch sinh thái bản Sin Suối Hồ; Lễ hội Then Kin Pang của người Thái (ở Khổng Lào, Mường So ), Lễ hội Gầu Tào của người Mông (ở Dào San) và một số lễ hội của người dân tộc Dao thu hút, hấp dẫn khách du lịch. Thứ ba, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện; giao thương hàng hóa giữa các xã vùng biên với trung tâm huyện, thành phố Lai Châu dễ dàng hơn. Thứ 4, an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, các loại tội phạm được kiềm chế; chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới giữ vững. Thứ 5, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 23 triệu USD, tăng 5,4 triệu USD so với năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt.

Khởi sắc huyện biên giới Phong Thổ

Bộ đội biên phòng cùng Nhân dân các xã biên giới huyện Phong Thổ tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để có được những khởi sắc trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện; các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy, HĐND giao; thực hiện Đề án “Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với kinh tế cửa khẩu” bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, tổ chức rà soát, đánh giá, quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp dựa trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng; đổi thay phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mở rộng quy mô phát triển cây dược liệu, đàn vật nuôi.

Cùng với đó, huyện chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Trung ương, tỉnh cung cấp cây, con giống cho các hộ dân. Lồng ghép nguồn vốn các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới phòng học, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, đường lên khu sản xuất. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào địa bàn đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích Nhân dân khai thác tiềm năng khí hậu, cảnh quan làm điểm du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Anh Hảng A Dơ (ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ) chia sẻ: Từ năm 2010, thấy khí hậu, chất đất phù hợp với cây đào, địa lan, tôi cùng các thành viên trong gia đình tự nhân giống đào, địa lan tìm được trên rừng về trồng. Thường xuyên chăm sóc, tỉa cành cho cây trồng đảm bảo theo kỹ thuật mà cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kết hợp với kinh nghiệm dân gian. Đến nay, tôi có 3 vườn đào khoảng 1 nghìn cây, hơn 1 nghìn chậu địa lan lớn nhỏ. Mới đây, bản được huyện, xã quan tâm làm du lịch, vợ chồng tôi tham gia làm dịch vụ homestay phục vụ các đoàn khách du lịch. Hàng năm, chăm sóc tốt cho khu thảo quả trên rừng. Bình quân thu nhập của gia đình tôi mỗi năm trên 200 triệu đồng, nhờ đó tôi có tiền mua xe tải và nuôi con học đại học.

Ngoài ra, huyện quan tâm thực hiện các chương trình an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tăng cường đưa thông tin về cơ sở dưới nhiều hình thức. Đồng hành với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, tố giác tội phạm; thường xuyên cùng bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; mua bán người qua biên giới. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, bà con chủ động phối hợp với lực lượng chức năng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2021, toàn huyện có diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt 8.594ha, tổng sản lượng lương thực đạt gần 37 nghìn tấn, trong đó quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với quy mô hơn 193ha lúa tẻ râu và nếp tan. Vận động Nhân dân chăm sóc vùng nguyên liệu mía hơn 64ha, gần 300ha chè, 1.000ha thảo quả; hơn 4.500ha cây ăn quả; phát triển đàn vật nuôi 210 nghìn con. Trong năm qua, huyện thu hút Hợp tác xã Nông sản Lai Châu, Công ty Giống cây trồng Tây Bắc ký kết bao tiêu thóc tẻ râu, mía cho bà con; đón 25.000 lượt khách du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện 28 dự án thủy điện có tổng công suất lắp máy khoảng 372MW. Hết năm 2021, tổng giá trị sản xuất đạt gần 4.820 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,51%.

Hy vọng rằng, với những kết quả đạt được của năm 2021, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Thổ sẽ có động lực để bứt phá trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2022. Qua đó, góp phần làm nên diện mạo huyện biên giới phát triển nhanh, bền vững.

Tác giả: Đinh Đông

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập178
  • Hôm nay8,412
  • Tháng hiện tại315,629
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,372,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây