Chủ nhật, 22/12/2024, 08:14

""Sống xanh"" - nhìn từ nghệ thuật tái chế: Một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ

Thứ tư - 05/01/2022 07:10
Biến rác thải thành tác phẩm nghệ thuật với nhiều nghệ sĩ không chỉ là con đường đi tìm sự độc đáo mà còn là tiên phong thực hành một lối sống...

Một số hình ảnh tại triển lãm “Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!”.​​​​

Tái sinh từ... rác

Với mong muốn hồi sinh một không gian công cộng vốn là nơi tập kết rác, không quá ngạc nhiên khi đa số tác phẩm tại Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đều sử dụng vật liệu tái chế. 16 nghệ sĩ đã kỳ công lựa chọn, sử dụng phế liệu để tạo nên những tác phẩm mang lại sức sống mới cho không gian này.

Chẳng hạn, tác phẩm “Thuyền” gồm 4 chiếc thuyền buồm được nghệ sĩ Vũ Xuân Đông thực hiện từ 10.000 vỏ chai nhựa, lon nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng, tạo hiệu ứng như con thuyền bập bềnh trên sóng. Tác phẩm “Vòng quay” của tác giả Trịnh Minh Tiến được tạo bởi vành bánh xe kết hợp với nhựa màu tái chế, sử dụng kỹ thuật phun sơn để thể hiện ý tưởng vòng quay lịch sử xung quanh cây cầu Long Biên. Tác phẩm của tác giả Vương Văn Thạo với những chiếc đĩa vỡ "vẽ" những ngôi đình, cổng làng trong phố cổ Hà Nội, mang tới thông điệp: "Hãy gìn giữ bảo tồn và trân trọng những cổng làng trong phố". Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mang tới tác phẩm “Gánh hàng rong” với hình ảnh người phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng, được làm từ sắt phế thải và inox.

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Trần Ưu Đàm sử dụng các bộ phận của một chiếc xe máy cũ và nhiều vật liệu tái chế, kết hợp sắt tấm cắt CNC sơn màu để miêu tả trận chiến vì một cuộc sống xanh. Hình ảnh mỗi người lái xe máy như một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà.

Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng thùng phuy cũ nhiều màu sắc. Tác phẩm “Xẩm tàu điện” của tác giả Phạm Khắc Quang làm từ những miếng thép vụn cũ, được hàn cắt tạo nên bề mặt tác phẩm và phía sau được liên kết bằng túi nilon nhiều màu. Tác phẩm này mô tả hoạt động hát xẩm đặc trưng của Hà Nội xưa, diễn ra trên chuyến tàu chở những phận đời xuôi ngược trong thành phố. 

Ngoài các tác giả trong nước, hai nghệ sĩ nước ngoài tham gia dự án là nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza và họa sĩ Australia George Burchett cũng đóng góp tác phẩm được tạo nên từ phế thải với cách tạo hình đẹp mắt. Đặc biệt, nhà thiết kế Diego Cortiza thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên (Hà Nội), sơn màu, biến chúng thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh thân con rồng...

Khu bờ vở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vốn là nơi tập kết rác, nay được hồi sinh nhờ những tác phẩm sử dụng vật liệu tái chế. Đó là điểm nhấn thú vị cho không gian này so với các không gian nghệ thuật công cộng khác trong thành phố. Dự án nghệ thuật này không chỉ thay đổi bộ mặt khu dân cư mà còn thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống cộng đồng, làm thay đổi nhận thức của người dân về môi trường và không gian sống.

Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng thùng phuy cũ nhiều màu sắc.

Một phong trào nghệ thuật

Trước Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, công chúng đã được thưởng lãm nhiều tác phẩm mỹ thuật sử dụng vật liệu tái chế với sự tham gia của các họa sĩ chuyên và không chuyên. Qua các tác phẩm, người xem phần nào hiểu thêm về quá trình thực hành một trào lưu nghệ thuật đang là xu hướng của thế giới.

Cách đây khoảng 10 năm, cùng với sự nóng lên của vấn đề môi trường, các nghệ sĩ Việt đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vật liệu tái chế và thường sử dụng chúng trong các tác phẩm sắp đặt. Năm 2012, nghệ sĩ Trần Trọng Linh mạnh dạn thử nghiệm đóng băng rác và nước sông Tô Lịch trong triển lãm sắp đặt mang tên “Thương thuyết” với mong muốn đưa ra thông điệp có tính cảnh báo về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thử nghiệm này không thành công. Sau đó, lác đác có một số triển lãm của vài nghệ sĩ nhưng cũng không gây được tiếng vang.

Đến năm 2019, triển lãm sắp đặt mang tên “Tái chế” - được tổ chức bởi Gallery 39 với sự tham gia của khoảng 20 họa sĩ thuộc nhiều độ tuổi - đã thu hút sự quan tâm của dư luận vì khả năng biến đổi những vật liệu cũ thành tác phẩm mới lạ, hấp dẫn. Tại triển lãm này, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Tái chế là một phong cách sống hiện đại. Những thứ tưởng như là đồ bỏ đi nay nhờ nghệ thuật thổi cái đẹp vào đó mà có một đời sống mới, dài rộng hơn, khiến người ta phải nhớ rằng, trái đất này sẽ không còn nếu như nó không còn màu xanh. Chúng tôi muốn thông điệp sống xanh này lan tỏa trực tiếp đến cộng đồng”.

Hiện nay, việc sử dụng vật liệu tái chế đã trở nên quen thuộc với không chỉ giới nghệ sĩ mà còn với số đông công chúng, được ứng dụng thường xuyên trong đời sống hằng ngày từ bài tập mỹ thuật của các bé trong trường học đến việc trang trí các không gian công cộng rộng lớn.

Tác phẩm “Vòng quay” của tác giả Trịnh Minh Tiến làm từ vành bánh xe kết hợp với nhựa màu tái chế và sử dụng kỹ thuật vẽ bằng súng phun sơn.

Nâng tầm nghệ thuật, được không?

Tuy đã trở thành một trào lưu, song nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn, bên cạnh việc truyền tải thông điệp về môi trường, các tác phẩm làm từ vật liệu tái chế có giá trị nghệ thuật như thế nào?

Năm 2019, triển lãm “Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!”, do IFA (Viện Quan hệ đối ngoại Đức) kết hợp với Viện Goethe tại Hà Nội tổ chức, đã có câu trả lời cho câu hỏi này với sự tham gia của nhiều họa sĩ trên thế giới. Triển lãm giới thiệu 76 tác phẩm của 53 nhà thiết kế của thế giới và Việt Nam, từ đó nêu ra những chất liệu và đặc điểm của các sản phẩm thường bị bỏ qua hoặc hiếm khi được ghi nhận trong diễn ngôn về thiết kế, đưa chúng trở thành nền tảng của những thiết kế mới trong các bối cảnh do chính những nhà thiết kế hình thành và phát triển. Các tác phẩm tại triển lãm là minh chứng sống động cho khẳng định: Phế thải cồng kềnh, rác, vật liệu rẻ tiền - tất cả đều có thể trở thành “vàng mười” dưới cái nhìn của rất nhiều những nhà thiết kế năng động.

Tháng 11-2021, công chúng được chiêm ngưỡng triển lãm tác phẩm tái chế quy mô lớn tại Hạ Long (Quảng Ninh) mang tên "Halong Zero Waste - Hạ Long không rác thải". Từ hơn 6 tấn rác thải được thu gom, nhóm nghệ sĩ đã sáng tạo hơn 40 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giúp người xem có cảm nhận, góc nhìn đa chiều về tình trạng ô nhiễm môi trường trong xã hội hiện đại. Những tác phẩm tại triển lãm thực sự thuyết phục người xem về tính nghệ thuật.

Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, vật liệu tái chế như sắt vụn, gỗ vụn, đồ nhựa... được hồi sinh, trở thành những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, mang tới cho người xem ấn tượng khó quên. Có thể kể tới các tác phẩm như: “Rồng Phù Hạ Long” (chất liệu sắt), “Sông Sen êm đềm” (sắt), “Đón cha - Chiều tan ca” (chất liệu gỗ), “Tình yêu người thợ mỏ” (sắt, than đá), “Hạnh phúc vô hình” (gỗ)...

Tác phẩm “Hạnh phúc vô hình” (chất liệu gỗ) trong triển lãm "Halong Zero Waste - Hạ Long không rác thải".

Khám phá phế thải, thu thập và khởi tạo cho chúng một đời sống mới là công việc đòi hỏi sự kiên trì của người nghệ sĩ. Nhưng với quan điểm “nghệ thuật là một liệu pháp để cân bằng, để tái tạo cuộc sống”, nhiều nghệ sĩ đã cần mẫn sáng tạo để chuyển tải thông điệp xanh, thức tỉnh con người trước các vấn đề về môi trường. Bằng những tác phẩm cụ thể, họ đã, đang chứng minh sức sáng tạo của nghệ thuật là không giới hạn.

Tác giả: Cập nhật 05:35 chủ nhật ngày 02/01/2022/AN ĐỊNH/hanoimoi.com.vn  

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập53
  • Hôm nay13,847
  • Tháng hiện tại287,117
  • Tháng trước340,122
  • Tổng lượt truy cập83,885,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây