Phát huy tiềm năng kinh tế dưới tán rừng tại tỉnh Lai Châu
Nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng
Theo UBND tỉnh Lai Châu, địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Cụ thể, đối với cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10.700 ha các loại, như: Sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan Kim Tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô… Trong đó, riêng với cây sâm Lai Châu, hiện đang được gieo trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 3,68 ha. Đây là cây cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong đó, chi phí đầu tư 1 ha cây sâm Lai Châu vào khoảng 10 tỷ đồng/ha, năng suất ước tính sau 6 năm trồng đạt khoảng 1 tấn/ha, giá bán bình quân 1 kg vào khoảng 60 triệu đồng, giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Đối với cây bảy lá một hoa, phân bố chủ yếu tại các vùng núi cao trên 1.000m của các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường. Hiện cây bảy lá một hoa đang được gieo trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng trên 10 ha. Đây cũng là cây cho hiệu quả kinh tế cao khi chi phí đầu tư loại cây này khoảng 1 tỷ đồng/ha; năng suất dự kiến sau 6 năm trồng ước đạt 11 tấn/ha, giá bán bình quân 1 kg vào khoảng 1,7 triệu đồng, giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 18 tỷ.
Thu hoạch thảo quả ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: PA)
Với loài cây lan kim tuyến, hiện được khai thác quy mô nhỏ lẻ ngoài tự nhiên phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình, chưa được phát triển với quy mô lớn. Qua nghiên cứu, đánh giá chi phí đầu tư cây lan kim tuyến vào khoảng 2,1 tỷ đồng/ha; năng suất dự kiến sau 6 năm trồng ước đạt 2 tấn/ha, giá bán bình quân 1 kg vào khoảng 1,5 triệu đồng; giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Với loài cây thảo quả, hiện được phát triển trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 6.400 ha; năng suất dự kiến ước đạt 900 kg/ha; giá trị thu nhập 1 ha sau khi trừ chi phí đạt khoảng 85 triệu.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 63.000 chậu địa lan, tập trung chủ yếu ở xã Sin Suối Hồ (36.000 chậu). Với giá bán hiện nay vào khoảng 2 triệu đồng/chậu, thu nhập bình quân sau khi trừ các chi phí vào khoảng 1,5 triệu đồng/chậu.
Đáng chú ý, đối với nuôi ong dưới tán rừng, tổng số đàn ong trên địa bàn tỉnh hiện vào khoảng 3.623 đàn (tổ), với 1.138 hộ nuôi ong. Vùng nuôi chủ yếu tại các huyện: Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè và thành phố Lai Châu. Sản lượng 1 năm thu hoạch khoảng 5 - 6 lít mật/tổ. Với giá bán bình quân khoảng 200.000 đồng/lít. Như vậy, sau khi trừ đi các chi phí ban đầu thì 1 tổ ong 1 năm cho thu nhập bình quân khoảng 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, Lai Châu còn có tiềm năng lớn đối với chè cổ thụ. Trong đó, tổng diện tích chè cổ thụ phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 700 ha, năng suất đạt 200 kg chè búp khô/ha, với giá bán khoảng 2 triệu/kg, thu nhập bình quân sau khi trừ các chi phí vào khoảng 250 triệu đồng/ha.
Ngoài ra một số khu vực, người dân phát triển chăn nuôi dê, gia cầm dưới tán rừng cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Chưa hình thành được các khu sản xuất tập trung
Lai Châu có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng, tuy nhiên, theo UBND tỉnh, hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn để phát huy hết các tiềm năng này. Cụ thể, việc phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và nuôi ong trên địa bàn tỉnh cơ bản đang theo hướng tự phát, chưa hình thành được các khu sản xuất tập trung.
Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm từ cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm cơ bản được sơ chế, chế biến thô, thủ công, chưa được áp dụng các phương pháp chế biến sâu trước khi xuất ra thị trường. Hiện nay, chỉ có duy nhất một dự án liên kết trồng và tiêu thụ cây Atiso tại huyện Sìn Hồ, các loại dược liệu, lâm sản ngoài gỗ khác đều chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra tổ chức liên kết sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định.
Đối với mật ong, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sơ chế, chế biến, các sản phẩm mật ong đưa ra thị trường chủ yếu là bán tươi. Người dân cũng chưa quan tâm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nên việc tìm kiếm thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 hợp tác xã chăn nuôi ong mật với hình thức liên kết với các hộ nông dân (liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm).
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và liên kết vùng chưa hoàn thiện. Cơ sở vật chất, hạ tầng của tỉnh, nhất là tại các huyện, xã biên giới chưa phát triển dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường kiểm tra sự phát triển của sâm Lai Châu. (Nguồn ảnh: baolaichau.vn)
Từng bước hỗ trợ vật tư đầu vào cho phát triển các cây dược liệu quý
Với tiềm năng, giá trị mang lại từ trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong dưới tán rừng,… rất lớn, do vậy, trong thời gian tới, để phát huy những lợi thế này, tỉnh Lai Châu sẽ nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đối với phát triển cây chè cổ thụ, tiếp tục khảo sát diện tích chè có thể phát triển, trước mắt bảo tồn vùng chè hiện có trên 700 ha và phát triển trồng mới khoảng 300 ha trên diện tích có điều kiện phát triển.
Với cây dược liệu, Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển trồng mới 3 ha sâm Lai Châu; 5 ha bảy lá một hoa và 2 ha lan kim tuyến. Tập trung phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các loài dược liệu khác như: Hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, xuyên khung, atiso… với diện tích khoảng 250ha.
Đối với phát triển nuôi ong, đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đã định hướng khai thác tiềm năng đất đai, rừng để hình thành, phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên tập trung củng cố và hỗ trợ nhân rộng số cơ sở chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2025 có thêm trên 760 đàn ong, đưa tổng đàn ong của tỉnh đạt trên 4.380 đàn; quy mô diện tích có thể khai thác mật hoa khoảng 150.000 ha; nuôi tập trung, theo hướng có kiểm soát, an toàn sinh học. Khuyến khích nuôi thả đàn ong theo hướng tự nhiên, kiểm soát dịch bệnh. Áp dụng quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, thân thiện môi trường, chất lượng sản phẩm đặc trưng của Lai Châu để tạo thương hiệu.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, với cây dược liệu, thực hiện theo chính sách tại đề án phát triển cây dược liệu với mức hỗ trợ 50% giống, vật tư phân bón đối với phát triển 3 loài cây dược liệu quý gồm: Sâm Lai Châu, bảy lá một hoa và lan kim tuyến. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loài cây dược liệu với quy mô 250 ha.
Đối với phát triển đàn ong, thực hiện theo chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với mức hỗ trợ một lần chi phí ban đầu gồm thùng ong, ong giống,… 700.000 đồng/thùng.
Đi cùng với giải pháp trên, tỉnh Lai Châu kiến nghị cho phép thuê môi trường rừng để phát triển kinh tế, đặc biệt là các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Hỗ trợ tỉnh thực hiện các đề tài nghiên cứu về cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ thuộc danh mục loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đầu tư cho tỉnh một dự án xây dựng “Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao”; hỗ trợ tỉnh thành lập trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, sản xuất giống các loài cây dược liệu thế mạnh của tỉnh như: Sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, địa lan,... để sản xuất, cung ứng ra thị trường cây giống có nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu và nuôi ong dưới tán rừng của địa phương cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc./.
Tác giả: Cập nhật Thứ sáu, 10/12/2021 15:28 (GMT+7)/BT/nhandan.vn
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
Thống kê truy cập
- Đang truy cập156
- Hôm nay8,156
- Tháng hiện tại315,373
- Tháng trước4,400,451
- Tổng lượt truy cập84,371,751