Chủ nhật, 05/01/2025, 03:31

Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc Mông

Thứ sáu - 24/12/2021 03:29
Là một trong 20 dân tộc sinh sống ở Lai Châu, người Mông có dân số chiếm 23,94% so với toàn tỉnh. Đây là một trong những tộc người có nền văn hóa...

Cũng như những người phụ nữ Việt Nam bình dị, đảm đang, chu toàn, người phụ nữ dân tộc Mông không nề hà khó khăn, vất vả, sớm nắng, chiều mưa chăm lo cho tổ ấm gia đình. Họ chăm chỉ làm lụng, nhiều lúc quên đi chính bản thân mình. Vào những ngày nông nhàn, đến những bản người Mông cheo leo trên sườn núi chắc hẳn hình ảnh những người phụ nữ địu con trên lưng gửi gắm sự tỉ mỉ, khéo léo vào từng đường kim, mũi chỉ theo đường nét hoa văn không còn xa lạ. Chính nhờ sự cầu kỳ ấy đã làm nên những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, sáng - tối đan xen. Người Mông ở các bản dường như chỉ mặc bộ trang phục của dân tộc mình, không pha tạp. Mùa chim én bay, mùa lễ hội hay mùa những đôi chim rủ nhau về làm tổ…, họ khoác lên mình bộ trang phục như chim công sải cánh, vì thế làm sáng lên cả một góc bản.

Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc Mông

Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Gầu Tào cha ở xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu). Ảnh tư liệu

Anh Vàng A Chỉnh không chỉ là người Mông làm du lịch giỏi ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) mà còn là người thật tinh tế và ý thức sâu sắc hơn ai hết những giá trị trong đời sống văn hóa của dân tộc mình. Anh cho rằng, ở trong mọi lĩnh vực từ trang phục, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ, thể thao cho đến các lễ hội, đồng bào dân tộc Mông đều có những nét riêng biệt và độc đáo, không thể lẫn với bất cứ tộc người nào. Ngoài những đường hoa văn tinh xảo, đều đặn đến từng chi tiết; in sáp ong trên vải do bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm cho bộ trang phục của mình đẹp hơn, thì các món ăn của người Mông cũng không kém phần đặc sắc. Đâu chỉ có món bánh giầy làm nên “linh hồn” của các lễ hội đồng bào dân tộc Mông, còn có các món thịt trâu, thịt lợn gác bếp; thắng cố ngựa… không thể thiếu trong mâm cỗ mời khách. Trong tình yêu, những đôi trai gái người Mông “nói lời yêu thương” qua ống tre được nối bằng sợi dây làm từ vải cây đinh. Nay thì công nghệ hiện đại, có sóng điện thoại di động thay thế, song để được nghe những lời mật ngọt qua ống tre vẫn luôn thú vị. Những bài hát, bài khèn môi, khèn lá trên núi đá hay phiên chợ vùng cao vẫn còn đâu đây. Người Mông còn có các môn thể thao như: đá cầu lông gà, ném tù lu, ném pao, ném còn hay bắn nỏ.

Theo tìm hiểu, người Mông ở Lai Châu thuộc 5 nhóm: Mông trắng, Mông hoa, Mông đen, Mông đỏ, Mông xanh phân bố ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên chỉ có 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen là cư trú tập trung thành cộng đồng. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Mông nói riêng, các dân cư trú thành cộng đồng trên địa bàn đã được quan tâm, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Nhờ sự quan tâm đó, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng được nâng lên, hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển. Tiếp tục bảo tồn và phát huy lễ hội hiện có; sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản sách về văn hóa dân tộc.

Được biết, lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông với những giá trị tâm linh, tín ngưỡng và cả giá trị mang tính giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc; trở thành hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Đến nay, cơ quan chuyên môn đang tham mưu cho tỉnh xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa Lễ hội Gầu Tào vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng trích nguồn kinh phí phù hợp thực hiện bảo tồn tiếng nói, chữ viết; giữ gìn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc như: chế tác nhạc cụ, rèn, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong. Trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh hoặc tham gia các sự kiện, chương trình văn hóa của khu vực, toàn quốc, tỉnh luôn ưu tiên lựa chọn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông để giới thiệu, quảng bá thông qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm, trình diễn trang phục...

Tỉnh cũng từng bước khai thác tiềm năng văn hóa qua các chợ phiên, các món ẩm thực, lễ hội hay tôn tạo các khu, điểm du lịch cộng đồng như: Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), Lao Chải (xã Khun Há, huyện Tam Đường), Gia Khâu (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu)... là điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.

Các cấp chính quyền cũng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng phát triển văn hóa, con người Lai Châu hướng đến chân - thiện - mỹ. Tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tập quán tín ngưỡng… song song với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vừa hiện đại, vừa bản sắc.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay12,180
  • Tháng hiện tại61,139
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,117,517
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây