Chủ nhật, 22/12/2024, 02:33

Khẳng định thương hiệu chè Lai Châu

Thứ ba - 05/07/2022 14:53
(BLC) - Thương hiệu chè Lai Châu đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường trong, ngoài nước với các sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo theo...

Hiện nay toàn tỉnh có 8.800ha chè, với hơn 6.000ha chè kinh doanh, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Chè được phát triển thành vùng tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, với giống chè chủ yếu là chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 91 cơ sở chế biến chè, trong đó có hơn 20 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất với nông dân từ việc tham gia trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Bà con thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên thu hái chè.

Bà con thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên thu hái chè.

Điển hình có 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển (CPĐTPT) Chè Tam Đường, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên và Công ty Cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến của Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc. Từ đó tạo ra rất nhiều sản phảm có chất lượng cao, với đa dạng các loại sản phẩm hình tròn, hình kim, dạng bột…. Chất lượng chè Lai Châu hiện đang được đánh giá cao ở Việt Nam với 2 dòng chè xanh và dòng chè đen nổi tiếng. Trong đó, dòng chè xanh có các sản phẩm như: chè xanh sấy khô ướp nhài, chè Ô long, chè Sencha, chè xanh Pekoe Supper Green Tea. Dòng chè đen gồm: chè đen CTC, chè đen OTDOX, Hồng trà, Đông phương mỹ nhân. Về tiêu chuẩn chất lượng chè trong sản xuất chế biến đạt các bộ tiêu chuẩn: Organic, RA, ISO 22000-2018, ISO 9001-2015, Chứng nhận HaLal, Chứng nhận GMP.

Chè Lai Châu có hương thơm nồng đượm, vị ngọt đậm và chát dịu, nước chè sánh trong vắt, không lẫn tạp chất; rất đặc trưng mà không có vùng chè nào sánh được. Các sản phẩm chè Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ… trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 33,7% sản lượng xuất khẩu ủy thác khoảng 60%. Ngoài việc xuất khẩu, các công ty, doanh nghiệp sản xuất chè cũng đang hướng đến kênh nội tiêu đưa vào các chuỗi siêu thị lớn trong nước.

Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh. Tận dụng những ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè “sạch” chất lượng cao với sự tham gia của các Công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng chè, nhằm bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi với giá cả ổn định; giúp người trồng chè yên tâm gắn bó lâu dài với vùng chè. Đặc biệt, từ việc trồng chè, thu nhập của người dân được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 60-120 triệu đồng/năm.

Để có được thành quả này, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giống chè, cơ sở chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; từng bước xây dựng thương hiệu chè Lai Châu. Chuẩn hóa quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, toàn tỉnh hiện có 211ha chè được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn; trong đó có 60ha được chứng nhận VietGAP; gần 26ha chè được chứng nhận hữu cơ, 125ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn RA (Rainforest Alliance) - Chứng nhận nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì vậy chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Lai Châu được cải tiến một cách rõ nét.

Công nhân Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường chế biến chè Ô long.

Công nhân Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường chế biến chè Ô long.

Đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao; 2 bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và quốc gia. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên và huyện Tam Đường.

Xác định có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất chè tập trung, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định đến năm 2025, tổng diện tích chè toàn tỉnh trên 10.000 ha; thực hiện bảo tồn, trồng mới và trồng bổ sung 300ha chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống trồng mới, phân bón lót theo quy trình; hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất, phát dọn thực bì… Đồng thời cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu chè.

Lai Châu đã và đang tiếp tục đầu tư vào các khâu trồng mới, chăm sóc, thu hoạch; đầu tư thâm canh và cải tạo chè xuống cấp. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu chè nhằm mang lại giá trị cao nhất, đưa thương hiệu chè Lai Châu ngày càng vươn xa.

Tác giả: Hà Tĩnh

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập24
  • Hôm nay10,661
  • Tháng hiện tại283,931
  • Tháng trước340,122
  • Tổng lượt truy cập83,882,401
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây