Thứ tư, 22/01/2025, 02:03

Khai mạc ngày hội của những người làm phát thanh cả nước

Thứ sáu - 05/08/2022 00:53
Tối 4/8, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 chính thức khai mạc tại Nhà hát TPHCM với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên". Sau 1/4 thế kỷ, liên hoan phát thanh toàn quốc mới lại được tổ chức tại Thành phố mang tên Bác.
Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng hoa Ban Giám khảo Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tới dự lễ khai mạc có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan…

Liên hoan phát thanh toàn quốc là ngày hội lớn, là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành phát thanh cả nước.

Sự kiện là hoạt động nghiệp vụ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Lần đầu tiên liên hoan được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội, tiếp đó là các địa phương khác như Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp...

Đây là lần thứ 2 liên hoan phát thanh toàn quốc được tổ chức tại TPHCM, sau Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ II được tổ chức vào năm 1995. Đặc biệt hơn, sự kiện diễn ra khi Thành phố mới vượt qua đại dịch COVID-19 và đang vươn mình mạnh mẽ sau những đau thương, mất mát.

Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 2.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chào mừng Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Cuộc hội ngộ nghĩa tình của những người làm phát thanh

Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, Thành phố cảm nhận, Liên hoan lần này không chỉ là hoạt động chuyên môn quan trọng, có uy tín cao mà còn là cuộc hội ngộ nghĩa tình, là tình cảm của những người làm báo phát thanh dành cho TPHCM, nơi mà cách đây một năm, đang oằn mình trong cơn đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

Các nhà báo cùng với lực lượng tuyến đầu và đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đã hướng về TPHCM, đến với tâm dịch Thành phố tại thời điểm khốc liệt nhất. Và nhờ sự hiện diện đó, chúng ta hiểu hơn chia sẻ hơn và đồng hành hơn với Thành phố. TPHCM được động viên hơn, nỗ lực nhiều hơn để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Và cũng trong bối cảnh đó, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của phát thanh.

Ông Phan Văn Mãi bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm báo chí về TPHCM qua Liên hoan, qua đó, cả nước sẽ hiểu hơn nữa, chung vui cùng Thành phố. Thay mặt lãnh đạo và nhân dân TPHCM, ông Phan Văn Mãi chân thành tri ân các lực lượng, bà con cả nước và bạn bè quốc tế đã luôn ủng hộ Thành phố với tinh thần "cả nước vì TPHCM" và Thành phố cũng xin khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để phục hồi và phát triển với tinh thần "Thành phố vì cả nước".

Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 3.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ý thức trách nhiệm vẻ vang của người làm báo thanh thanh

Phát biểu chỉ đạo Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sĩ đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành; chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 203 tác phẩm đã xuất sắc lọt vòng Vòng Chung khảo liên hoan.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ, cách đây 77 năm, chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tiếng nói Việt Nam - đài phát thanh đầu tiên của nước Việt Nam mới đã cất lên lời xướng hào hùng: "Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". 25 năm sau, ngày 7/9/1970, từ trong lòng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập. Kể từ đó, hệ thống các đài phát thanh - truyền hình từ cấp tỉnh, thành phố đến tận phường, xã đã hình thành và không ngừng phát triển mạnh mẽ.

Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và ngành phát thanh nước ta nói chung đã vượt qua muôn vàn khó khăn, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, đất nước ta đang bước những bước tiến vững chắc trên con đường đổi mới, ngành phát thanh Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và dân tộc, luôn xứng đáng là Tiếng nói của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 4.
Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ đánh trống khai mạc Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên" được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, đồng lòng, chung sức thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống, loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống. Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới.

Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 5.
Chương trình nghệ thuật tại Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Từ đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, ngành phát thanh Việt Nam nói chung thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng và Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập chúng ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống". Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Cần tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; quan điểm, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, xây dựng, củng cố và phát triển ngành phát thanh tiếp tục là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để làm được những điều này, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, mỗi cơ quan báo nói, mỗi nhà báo phát thanh cần ý thức rõ trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình, thông tin chính xác, kịp thời; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Phát thanh Việt Nam cần trở thành kênh phản biện xã hội với mục đích xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị xã hội và phát triển đất nước; kịp thời phản ánh những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp tới Đảng và Nhà nước, trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội.

Mỗi nhà báo phát thanh cần phát huy hơn nữa tinh thần tự học, tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tự trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ làm báo, có tư duy độc lập, tư duy phản biện trước mỗi vấn đề. Mỗi nhà báo cần đi sâu, đi sát thực tế cuộc sống, phản ánh đậm nét hơi thở cuộc sống, hay nói cách khác, phải lăn lộn với cuộc sống, hòa mình với quần chúng, sống trong dân, như vậy mới có thể sáng tác những tác phẩm phát thanh có giá trị.

Bên cạnh đó, phát thanh Việt Nam cần phát huy lợi thế của mình, là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, không biên giới. Các cơ quan báo phát thanh cần tích cực tham gia và thực hiện "Đề án chuyển đổi số của Chính phủ". Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thay mặt lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đã đánh trống khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu cũng đã lắng nghe những phóng sự xúc động, giao lưu với những nhà báo về những câu chuyện tác nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước gồng mình chống đại dịch. Ban Tổ chức Liên hoan cũng đã vinh danh Ban Giám khảo, những nhà báo có uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, những người góp phần quan trọng vào thành công của Liên hoan. Dự kiến, Liên hoan sẽ trao các giải thưởng vào lễ bế mạc, tổ chức vào hồi 20h ngày 6/8/2022 tại Nhà hát TPHCM.

Khai mạc Ngày hội của những người làm phát thanh cả nước - Ảnh 6.
Ảnh: VGP/Anh Thơ

Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 được tổ chức từ ngày 31/7 đến ngày 7/8.

Liên hoan năm nay có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 500 tác phẩm. Có 203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, gồm 65 tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, 37 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 11 câu chuyện truyền thanh; 57 chuyên đề phát thanh, 33 kịch truyền thanh, 34 chương trình phát thanh trực tiếp.

Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được đánh giá rất cao, đã phản ánh được không khí của cuộc sống hiện nay. Nổi bật lên là những vấn đề liên quan đến việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống, cuộc chiến chống dịch COVID-19, những vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế. Đặc biệt, có rất nhiều tác phẩm nói về gương người tốt, việc tốt. Đây là những thành công ban đầu của Liên hoan lần này. Theo Ban Tổ chức, riêng thể loại phát thanh trực tiếp nhận được sự quan tâm của 31 đơn vị, bởi đây là thể loại mang xu thế của phát thanh hiện đại và được các đơn vị dự thi đầu tư rất công phu.

Điểm mới trong liên hoan phát thanh năm nay là Ban Tổ chức quyết định tổ chức thi và trao giải Giọng vàng, nhằm phát hiện và tôn vinh những phát thanh viên/người dẫn chương trình có giọng đọc, dẫn chương trình phát thanh xuất sắc; trao giải cho 2 thể loại: Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc và thể loại Ứng dụng nền tảng số.

Trong khuôn khổ Vòng Chung khảo Liên hoan, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cũng đã tổ chức các hoạt động nghiệp vụ sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm phát thanh tại Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Đó là triển lãm "Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội TPHCM" và "Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM", hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn thu cho các đài phát thanh-truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số", hội thảo kỹ thuật "Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số", hội thảo "Trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai Nền tảng Phát thanh số quốc gia", hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến", hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp" và nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ khác.

Cập nhật ngày 4/8/2022


Tác giả: Theo Anh Thơ/baochinhphu.vn
Nguồn: https://baochinhphu.vn/khai-mac-ngay-hoi-cua-nhung-nguoi-lam-phat-thanh-ca-nuoc-102220804212933019.htm

Tác giả: Tác giả: Theo Anh Thơ/baochinhphu.vn

Nguồn tin: laichau.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập180
  • Hôm nay8,387
  • Tháng hiện tại315,604
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,371,982
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây