Thứ tư, 22/01/2025, 03:53

Bài 2: Liên kết, thu hút đầu tư phát triển du lịch

Thứ ba - 16/08/2022 22:55
(BLC) - Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác liên kết, quảng bá, thu...

Những tín hiệu vui

Theo khẳng định của ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những năm qua, du lịch Lai Châu có những bước bứt phá nổi bật, minh chứng rõ nét nhất lượng khách đến với Lai Châu giai đoạn 2015-2020 đạt 1.487.220 lượt khách (trong đó khách Quốc tế là 114.266 lượt khách). Tốc độ tăng  trưởng bình quân khách du lịch đạt 13%/năm. Tổng doanh thu khách du lịch 2.271,662 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, du lịch tỉnh nhà đã có những tín hiệu tích cực, mở ra một bước đà mới cho ngành Du lịch sau thời gian dài đóng băng bởi đại dịch Covid-19. Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón 437.519 lượt khách, tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 90% kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 375,247 tỷ đồng, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 85,7% so với kế hoạch năm 2022.

Vẻ đẹp của Khu du lịch sinh thái đèo Ô Quý Hồ nhìn từ trên cao xuống.

Vẻ đẹp của Khu du lịch sinh thái đèo Ô Quý Hồ nhìn từ trên cao xuống.

Có được thành quả này, thực hiện chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch toàn diện, phục hồi và phát triển kinh tế sau hai năm đầy khó khăn bởi tác động của dịch Covid -19. Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến địa phương dưới nhiều nội dung và hình thức. Từ ngày 14-17/4/2022 tỉnh tổ chức thành công sự kiện Tuần Du lịch- Văn hóa Lai Châu với nhiều hoạt động như: Lễ hội Carnaval diễn diễu đường phố; không gian giới thiệu, quảng bá du lịch có 18 gian hàng của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái... Chương trình Famtrip và tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc - Trung – Nam. Qua đó, đã đón và phục vụ hơn 70 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan thưởng ngoạn và mua sắm.

Ngành Du lịch tỉnh chủ động triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, cung cấp thông tin, hỗ trợ khách du lịch trên các trang thông tin điện tử địa phương; các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu/điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, hoàn thiện các hạng mục, công trình đang thi công. Triển khai các chương trình giảm giả, liên kết với nhau để tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Đến nay, toàn tỉnh có 132 cơ sở lưu trú, trong đó 3 khách sạn 3 sao, 29 khách sạn từ 1-2 sao và 100 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với 2.109 phòng. 4 đơn vị kinh doanh lữ hành với 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 140 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thành lập các tổ vận chuyển hành lý phục vụ khách tham gia loại hình du lịch mạo hiểm, chinh phục đỉnh cao. Đồng thời quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cấp các tuyến đường kết nối các khu du lịch.

Bà con bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ gìn giữ nghề truyền thống.

Bà con bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ gìn giữ nghề truyền thống.

Tuy nhiên cái được lớn nhất trong quá trình làm du lịch chính nhận thức của bà con đã thay đổi, không còn trông chờ, ỉ lại vào hỗ trợ của nhà nước mà tự bỏ tiền cùng nhau đầu tư làm du lịch. Trưởng bản Sin Suối Hồ - Vàng A Chỉnh cho biết: Bây giờ bà con trong bản xem phát triển du lịch là nghề đem lại nguồn thu nhập chính. Vì vậy, Nhân dân đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và xem đây là yếu tố cốt lõi để thu hút du khách. Nghĩ là làm năm 2016, các hộ đã thành lập Hợp tác xã Trái tim để liên kết làm du lịch cộng đồng. Từ 12 hộ hiện nay bản có gần 30 hộ tham gia. Hoạt động du lịch của Hợp tác xã Trái tim đáp ứng khoảng 300 - 400 khách du lịch, với mức giá lưu trú 100.000 đồng/khách/đêm. Đến nay, trên địa bàn có thêm Công ty TNHH một thành viên du lịch Sin Suối Hồ, Công ty TNHH du lịch miền núi hoạt động.

Để phát triển du lịch bản có kế hoạch quảng bá qua các kênh mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… và làm tốt các sản phẩm du lịch, cũng như các dịch vụ phục vụ khách: dịch vụ homestay, nhà hàng, bungalow. Bản thành lập đội văn nghệ, gìn giữ nghề truyền thống: rèn, thêu thổ cẩm, kỹ thuật vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong. Với mong muốn mang lại cho du khách cảm giác bình yên giữa chốn thiên nhiên, mỗi homestay đều có cổng chào, biển báo bằng gỗ ghi số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà; bản còn vận động bà con tích cực trồng hoa địa lan, đào, thảo quả. Từ phát triển du lịch, nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng, đời sống bà con ngày ấm no.

Tăng cường thu hút, quảng bá, xúc tiến du lịch

Phát huy tiềm năng lợi thế, đến nay Lai Châu đã hoàn thiện, nâng cấp và đưa vào khai thác một số du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao như: Du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ gắn với văn hóa dân tộc Mông, Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây; khu du lịch sinh thái Ô Quý Hồ, du lịch thể thao dù lượn Putaleng.

Lai Châu còn có hệ thống hang động với vẻ đẹp nguyên sơ như: động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pu Sam Cap ở thành phố Lai Châu và 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng. Vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc với 5 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đặc biệt Di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Du khách tìm hiểu thông tin du lịch Lai Châu tại Công ty Cổ phần Thương mại & du lịch Hoàng Gia Lai Châu.

Du khách tìm hiểu thông tin du lịch Lai Châu tại Công ty Cổ phần Thương mại & du lịch Hoàng Gia Lai Châu.

Đây là cơ sở để tỉnh xác định phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 đạt trên 3,5 triệu lượt khách. Vì vậy, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, nâng cao nguồn nhân lực và mở rộng thị trường khách du lịch được đẩy mạnh. Điển hình, cuối năm 2021, Lai Châu tổ chức hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch như: “Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông toàn quốc lần thứ ba”, chương trình du lịch lữ hành “Hành trình về với vùng xanh; tổ chức giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng mở rộng tại huyện Tam Đường; Giải đua xe đạp đường trường mở rộng lần thứ nhất…

Thông qua các sự kiện, hội nghị, hội chợ du lịch, tổ chức mời các đoàn Famtrip, Caravan, các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành trong cả nước, các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đến nay, thị trường khách du lịch đến Lai Châu được mở rộng, ngoài thị trường khách nội địa truyền thống đến từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… đã thu hút được thị trường khách mới đến từ các tỉnh: Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và thị trường khách quốc tế mới ở các nước như: Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật.

Là đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch tại Lai Châu, Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & du lịch Hoàng Gia Lai Châu cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid -19, Công ty có nhiều chương trình du lịch kích cầu nhằm khơi thông nguồn khách trở lại, trong đó tập trung thu hút khách du lịch trong tỉnh và ngoại tỉnh đến Lai Châu; hoàn thiện và xây dựng các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách. Hiện nay, Công ty xây dựng các tour: du lịch trên vòng cung Tây Bắc, du lịch Lai Châu hằng ngày, du lịch cuối tuần....; tổ chức 10 tour tại Lai Châu như: Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng; bản Sì Thâu Chải – Bản Bo; bản Sin Suối Hồ - thành phố Lai Châu- bản Thẳm – Cầu kính Rồng Mây... Với cách làm này, 7 tháng đầu năm, Công ty đón 200 lượt khách và phục vụ trên 350 lượt khách đến Lai Châu.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư và sự hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương đã thu hút các nhà đầu tư đến Lai Châu để khảo sát thực hiện dự án du lịch bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thời gian qua tăng rất nhanh. Hiện rất nhiều doanh nghiệp đến khảo sát và đã hình thành một số khu điểm du lịch ngoài ngân sách như: Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, Khu du lịch sinh thái đèo Ô Quý Hồ hiện đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng giai đoạn 2. Ngoài ra, dự án Vườn địa đàng (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) mới được UBND tỉnh phê duyệt phân khu cũng là điểm nhấn cho du lịch Lai Châu trong thời gian tới.

Khu Du lịch Cầu kính Rồng Mây nằm trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) là một điểm đến thu hút nhiều du khách. Được biết, dự án Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đầu tư được khởi công tháng 1/2018, gồm nhiều hạng mục như: khách sạn, hệ thống thang máy và cầu kính, bugallow nghỉ dưỡng, bể bơi điều hòa, khu vui chơi cảm giác mạnh…

Trong đó, nổi bật là hệ thống thang máy ngoài trời bằng kính trong suốt và cầu kính đi vào hoạt động từ ngày 16/11/2019. Đây là công trình lần đầu có mặt tại Việt Nam với thiết kế thang máy ngoài trời và cầu kính trong suốt, vươn ra ngoài vách núi, đưa du khách như xuyên qua những tầng mây và thu trọn tầm mắt quang cảnh tráng lệ của đèo Ô Quy Hồ.

Có thể nói, Lai Châu đang đi con đường “chậm mà chắc” khi tập trung cho các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu riêng hứa hẹn từng bước khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương, giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

(Còn nữa)

Tác giả: Hà Tĩnh

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập52
  • Hôm nay10,320
  • Tháng hiện tại317,537
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,373,915
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây