Bài 3: Giải pháp bền vững để du lịch Lai Châu “cất cánh”
Vẫn còn những khó khăn, thách thức
Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất vùng Tây Bắc, chính vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch tại một số khu, điểm chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu các dự án du lịch đầu tư quy mô, đẳng cấp và chất lượng cao. Tuy sở hữu thế mạnh tiềm năng trong phát triển du lịch mạo hiểm nói chung và trekking leo núi nói riêng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia về du lịch, lượng khách đến Lai Châu vẫn chưa tương xứng vì địa hình xa xôi cách trở, thông tin quảng bá ít ỏi, hạ tầng giao thông chưa phát triển và thiếu tour-tuyến kết nối liên tỉnh-liên vùng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tưởng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Lữ hành Lâm Đồng nhận định: Lai Châu có rất nhiều cung đường, cảnh quan thiên nhiên đẹp, núi non có độ dốc lớn nhưng các điểm du lịch lại không tập trung. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá chưa phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, các thông tin về du lịch mới chỉ dừng lại ở ngôn ngữ tiếng việt nên chưa thu hút được nhiều khách nước ngoài đến tham quan.
Làng cá Thẩm Phé (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện Than Uyên.
Tại các bản du lịch cộng đồng hầu hết đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng như: bản Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1 chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp ảnh hưởng tới việc thu hút du khách. Theo chia sẻ của nhiều du khách, sau khi đặt chân đến các bản du lịch họ cảm nhận các sản phẩm du lịch, dịch vụ ở đây chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp nhất là sản phẩm OCOP. Một yếu tố quan trọng khác là, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn rất hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, porter tại các điểm du lịch.
Anh Sùng A Lùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) tâm sự: Hiện nay, đường giao thông lên bản Sin Suối Hồ đang nâng cấp, sửa chữa nên khó khăn cho đoàn khách du lịch đến với bản. Một số bà con muốn làm homestay nhưng không đủ tài chính để thực hiện; chưa có hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại bản. Thời gian tới, mong muốn nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường nối từ xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) lên xã Sin Suối Hồ; có các chính sách, mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức làm du lịch cho bà con. Có thêm kinh phí hỗ trợ bà con sửa chữa, mở rộng nhà ở, cải tạo nhà vệ sinh đảm bảo môi trường sạch đẹp.
Phục dựng Lễ hội Kin Pang của đồng bào dân tộc Thái đen ở huyện Than Uyên.
Ngoài ra, tỉnh chưa có nhiều chính sách ưu đãi riêng cho du lịch để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư khảo sát. Hiện toàn tỉnh mới có 3 doanh nghiệp làm du lịch nhưng năng lực và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong tỉnh chủ yếu khai thác thị trường khách trong tỉnh đi du lịch trong nước và quốc tế, chưa chú trọng việc xây dựng các tour du lịch hấp dẫn tại địa phương để thu hút khách đến du lịch tại tỉnh.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Đề án, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4-5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hợp phần quy hoạch du lịch tích hợp trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh làm cơ sở định hướng phát triển lâu dài và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn tại các địa điểm đã quy hoạch và có lợi thế.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tiến độ, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch theo Nghị quyết 59/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để hỗ trợ phát triển hoàn thiện các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu. Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái; bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông; bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) gắn với trải nghiệm du lịch Dao; bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) gắn với dân tộc Giáy; bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) gắn với dân tộc Lự. 5 điểm du lịch này sẽ cố gắng hoàn thiện điểm du lịch cộng đồng mẫu, từ đó tạo động lực, sức hút và nhân rộng ra các bản du lịch khác.
Các sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tham quan, mua sắm.
Trên cơ sở xác định phát triển các sản phẩm du lịch Lai Châu có thế mạnh: du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng trên núi và dưới lòng hồ, du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông. Từ đó, gắn kết các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh trong cùng một tour du lịch để tăng sự hấp dẫn và trải nghiệm của du khách.
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh tập trung gắn kết loại hình du lịch thể thao mạo hiểm với du lịch cộng đồng thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Tiêu biểu: du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ gắn với chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử; du lịch cộng đồng bản Sì Thâu Chải gắn với trải nghiệm dù lượn và chinh phục đỉnh Pu Ta Leng… Duy trì và mở rộng, khảo sát các giải thể thao gắn với du lịch như: giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng, giải việt dã đường đá cổ Pa Vi, giải đua xe đạp địa hình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khai thác tiềm năng về các đỉnh núi cao ở Lai Châu, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo các tuyến đường và ban hành các quy chế quản lý du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch leo núi. Trên cơ sở đó sẽ thu hút các doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách và khai thác các tour leo núi một cách bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng.
Các phi công tham gia giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng quốc tế mở rộng tại Lai Châu.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng đào tạo, tập huấn đội ngũ poster phục vụ du lịch leo núi, không chỉ là người dẫn đường, người khuân vác đồ cho du khách mà còn là những hướng dẫn viên du lịch, người truyền tải đến du khách những câu chuyện hấp dẫn về các đỉnh núi và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn đào tạo phi công dù bay là người địa phương tại bản Sì Thâu Chải để phục vụ khách thường xuyên chứ không chỉ phụ thuộc vào thời điểm tổ chức giải dù lượn như hiện nay.
Bên cạnh đó, với sự quan tâm của tỉnh hiện nay rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng đang được triển khai. Tỉnh cũng xúc tiếp đẩy nhanh tiến độ đấu nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Lai Châu; dự án đường hầm xuyên đèo Hoàng Liên Sơn. Nếu các dự án được triển khai sớm sẽ là điều kiện thuận lợi cho du lịch Lai Châu phát triển. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch như: tạo dựng nguồn tài liệu hình ảnh 3D, video clip để quảng bá giới thiệu trên cổng du lịch thông minh của tỉnh, các trang mạng xã hội nhằm giới thiểu vẻ đẹp Lai Châu đến với du khách trong và ngoài nước.
Với nhiều giải pháp, chủ trương đúng đắn, tin tưởng Du lịch Lai Châu sẽ “cất cánh” đạt được mục tiêu tổng lượt khách du lịch đến năm 2025 đón khoảng 975 nghìn lượt khách, đến năm 2030 đạt khoảng 1,2 triệu lượt khách, năm 2050 đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách. Đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn vùng Tây Bắc.
Tác giả: Hà Tĩnh
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
Thống kê truy cập
- Đang truy cập133
- Hôm nay8,265
- Tháng hiện tại315,482
- Tháng trước4,400,451
- Tổng lượt truy cập84,371,860