Chủ nhật, 22/12/2024, 16:31

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thứ sáu - 18/03/2022 14:24
Nhờ lồng ghép các chương trình, dự án, huyện Tam Đường đã giúp nhiều hộ dân xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Tam Đường là huyện thuần nông, đời sống kinh tế, trình độ canh tác sản xuất của người dân không đồng đều giữa các địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện vẫn còn cao. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước; dịch vụ phục vụ sản xuất và chế biến chậm phát triển nên hạn chế trực tiếp đến việc chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.

Để giảm nghèo bền vững, năm 2021, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện tham mưu UBND huyện ban hành 6 kế hoạch, 1 công văn, 1 quyết định về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn và việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Phòng bám sát chương trình công tác năm của UBND huyện, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Nông dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) thu hái chè.

Nhờ đó, các chính sách đối với người nghèo, cận nghèo và người lao động trên địa bàn được đảm bảo. Chính sách bảo trợ xã hội, cứu trợ đột xuất được thực hiện đầy đủ, kịp thời góp phần bảo đảm đời sống cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Phòng chú trọng, quan tâm công tác bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Năm 2021, toàn huyện giảm 393 hộ nghèo, góp phần giảm hộ nghèo xuống còn 1.539 hộ nghèo.

Để người dân thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tham gia các chương trình, dự án liên kết với các công ty nhằm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập. Đơn cử, Công ty Cổ phần Beefoods Lai Châu liên kết với các hộ dân đầu tư trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm của 16,21ha chanh leo tím. Năm qua, công ty thu mua trên 44,7 tấn, giá trị 632,7 triệu đồng của các hộ dân tham gia dự án liên kết, bà con không lo đầu ra cho sản phẩm với giá ổn định (25 nghìn đồng/kg). Hay như, Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh thuê đất để hình thành vùng trồng chuối tập trung với quy mô 20ha của 112 hộ dân tại 2 bản Hưng Bình và Tân Bình (xã Bình Lư). Năm 2021, bà con thu hoạch 570 tấn, hợp tác xã bán ủy quyền sang Trung Quốc thông qua đơn vị thu mua tỉnh Lào Cai, tổng thu trên 3.021 triệu đồng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Bản Bo hiện nay có 172 hộ nghèo. Hộ nghèo trên địa bàn xã còn thiếu hụt về vật chất, tinh thần và các dịch vụ xã hội cơ bản như: chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng dịch vụ viễn thông… Hiện, xã phấn đấu năm 2022 giảm 5% hộ nghèo. Anh Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Thời gian qua, xã phân công cán bộ giúp đỡ hộ nghèo kỹ thuật chăn nuôi gia súc quy mô lớn và trồng chè chất lượng cao. Xã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp chế biến chè mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho lao động địa phương; giúp người dân giảm nghèo bền vững. Mỗi năm, xã phấn đấu giảm từ 5 - 7% hộ nghèo”.

Gia đình anh Lò Văn Quang (ở bản Hua Sẳng, xã Bản Bo) trước đây là hộ nghèo. Năm 2013, anh di chuyển đến vùng đất rộng, mở rộng sản xuất để phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng. Nhờ cần cù chịu khó, ý chí vươn lên làm giàu, gia đình anh đã trồng được hơn 7.000m2 chè chất lượng cao, 1ha lúa séng cù, đào 2 ao thả cá trên 500m2, nuôi 15 con lợn thịt và hàng trăm con gà thả vườn. Năm 2018, gia đình anh thoát nghèo. Năm qua, gia đình anh được xã tặng danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Anh Quang tâm sự: “Năm 2015, tôi đề xuất với Hội Nông dân xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tôi được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hàng hóa, tôi đã thành công mô hình nuôi gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình theo hướng bền vững”.

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông dân huyện Tam Đường đã vươn lên giảm nghèo bền vững. Người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.

Tác giả: Thu Minh

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập48
  • Hôm nay15,788
  • Tháng hiện tại291,234
  • Tháng trước340,122
  • Tổng lượt truy cập83,889,704
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây