Trong lĩnh vực giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GD&ĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số.
Chuyển đổi số trong GD&ĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH).
1. Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo tỉnh Lai Châu
Đến nay, toàn ngành giáo dục đã chủ trương và xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030". Hàng loạt văn bản chỉ đạo chuyển đổi số giáo dục được các cấp quản lý ban hành, dần hoàn thiện hành lang pháp lý làm căn cứ để Ngành triển khai, thực hiện.
Trong quản lý giáo dục, toàn ngành đã triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ tỉnh đến 8 phòng GD&ĐT, 344 cơ sở giáo dục. Hiện nay đã số hóa và định danh dữ liệu của 344 trường học, trên 9.000 giáo viên, 151.000 học sinh. Cơ sở dữ liệu này trong thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực công tác tuyển sinh và thống kê, báo cáo trong toàn ngành; giúp các cấp quản lý ban hành chính sách quản lý có hiệu quả. Toàn ngành đã có 100% các trường sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử (đối với cơ sở giáo dục phổ thông). Hệ thống quản lí văn bản và điều hành kết nối 8 phòng GD&ĐT và 344 trường học trên toàn tỉnh với Sở GD&ĐT hoạt động thông suốt, ổn định, phát huy hiệu quả tích cực.
Về dạy - học, giáo viên toàn ngành được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành; đóng góp lên Hệ tri thức Việt số hóa gần 1.000 bài giảng điện tử e-learning, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm … góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời.
Về nhân lực số, ở cấp học phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc ngay từ lớp 3; giáo dục STEM được lồng ghép trong các môn học, gắn việc học của học sinh thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán và hiện tượng trong cuộc sống.
Tuy vậy, chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện cụ thể như sau:
- Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quyét), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn tỉnh còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học). Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức của học sinh so với các vùng phát triển.
- Việc số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực (gồm cả nhân lực quản lý và nhân lực triển khai) cũng như tài chính để đảm bảo kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của học sinh ở các cấp học, ngành học, môn học. Vì vậy hiện nay vấn đề xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử) và hệ thống giải pháp học tập VLE/LMS còn thiếu, chưa đồng bộ và chia sẻ giữa các nhà trường dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập.
2. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo
Ngành GD&ĐT có vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số chung của Tỉnh. Để thực hiện được nhiệm vụ này, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu tập trung triển khai một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể sau:
(1). Lồng ghép nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp;
(2). Thực hiện phổ cập tin học, triển khai dạy tin học cơ bản, làm quen với tin học cho học sinh từ lớp 3, bổ túc kiến thức cho người dân qua các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên;
(3). Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo;
(4). Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học;
(5). Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục;
(6). Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI);
(7). Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Mỗi giải pháp đề xuất cần được tiếp tục nghiên cứu cụ thể, xây dựng kế hoạch lộ trình chi tiết, phân công tổ chức thực hiện hợp lý, thực hiện đồng bộ, đánh giá thử nghiệm đảm bảo hiệu quả khi triển khai phù hợp với thực tế đa dạng từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể./.