1. Tình hình dịch Covid-19 toàn Ngành
- Tính đến ngày 03/3/2022, toàn ngành có số F0 = 2.337 (trong đó 424 CBQL, GV, NV và 1.913 học sinh); số F1 = 11.686 (trong đó 1.074 CBQL, GV, NV và 10.612 học sinh).
- Số trường tạm nghỉ học để phòng chống dịch: 57/344 trường.
- Hiện nay các trường vẫn đang tích cực triển khai và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể:
+ Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 01 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng ban, Ban chỉ đạo luôn nêu cao trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các nhiệm cần làm theo quy định Sổ tay hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như thời điểm trước khi học sinh đến trường, trong khi học sinh ở trường và trên đường học sinh về nhà,…). Các trường thường xuyên tuyên truyền để học sinh hiểu và thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
+ Các cơ sở tích cực phối hợp với Trưởng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức các hoạt động tập huấn về quy trình xử lí các F0 trong quá trình dạy học và những quy định của ngành y tế để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong đơn vị về công tác phòng chống dịch. Chủ động tuyên truyền tới cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường trong công tác phòng dịch, trong đó thực hiện tốt việc truy vết khi có các F xảy ra trong trường học.
+ Thường xuyên tổ chức vệ sinh trường lớp, khu vực bán trú, nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; xử lý khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi có các ca F0 trong trường học.
* Tiến độ tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục
- Ngay từ đầu năm học, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã quyết liệt trong chỉ đạo toàn ngành việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19, đến nay các trường đã tổ chức dạy học đảm bảo theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Sở về dạy nội dung cơ bản, cốt lõi để ứng phó với dịch Covid-19 đúng theo tinh thần ”tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp ”
- Đến thời điểm hiện tại: Cấp THCS, THPT đã tổ chức dạy học nội dung cốt lõi đạt trên 85%; cấp Mầm non, Tiểu học đạt trên 90%.
- Như vậy, trong thời gian tiếp theo các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục tổ chức dạy học để đảm bảo ít nhất là xong phần kiến thức của nội dung cơ bản cốt lõi lõi (dự kiến kết thúc nội dung cơ bản, cốt lõi trong khoảng từ 4 đến 5 tuần); khi kết thúc dạy nội dung cơ bản, cốt lõi, các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cả năm học theo Chương trình quy định, đồng thời tổ chức ôn tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh cuối học kỳ II.
- Do vậy, việc học sinh đến trường ở thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên các trường phải tích cực và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.
2. Khuyến cáo và lời khuyên đối với phụ huynh và học sinh.
Tại tỉnh Lai Châu, với tỷ lệ bao phủ Vaccine COVID-19 từ 2 mũi trở lên đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi, cùng những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và nhận thức của người dân về cách thức phòng chống dịch được tăng lên, có thể nói: Tuy dịch vẫn đang diễn biến phức tạp song việc tiếp tục mở cửa trường học để học sinh đến trường trong thời điểm này là hợp lý và cần thiết, chỉ có điều chúng ta cần có các giải pháp đảm bảo an toàn nhất cho học sinh và điều quan trọng là việc cho học sinh đến trường là đúng theo tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ về mở cửa trường học.
Bởi lẽ:
- Lợi ích của việc học sinh được đến trường lớn hơn nhiều so với cho học sinh ở nhà trong khi người lớn đã đi làm và giao tiếp cộng đồng.
- Việc học là cả một quá trình dài, tuy nhiên nếu học sinh nghỉ học dài ngày hoặc nghỉ giãn đoạn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục, hơn nữa khi học sinh ở nhà nhiều sẽ mất dần những thói quen tốt đã được hình thành và rèn luyện trong các nhà trường.
- Tuổi học đường thường xảy ra nhiều biến động và là độ tuổi nhạy cảm cần được hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý; khi học sinh không đến trường các em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Trong quá trình phát triển của lứa tuổi học sinh, đặc biệt đối với lứa tuổi nhỏ nếu nghỉ học dài ngày sẽ mất đí cơ hội hình thành những thói quen tốt hoặc thời gian vàng trong tiếp nhận kiến thức tại trường,… do vậy, việc học sinh đến trường là hết sức cần thiết chỉ có điều chúng ta phải có những giải pháp hiệu quả trong phòng chống dịch để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.
- Việc không thường xuyên đến trường, các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn; cùng với đó, đối với nhóm học sinh có điều kiện học trực tuyến, khi học nhiều giờ, lặp đi lặp lại, bó hẹp trong gian khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Ở nhà nhiều, tiếp cận với phương tiện internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến học sinh lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang lo lắng.
- Mặt khác, việc dạy và học online khiến cho học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức; thêm vào đó, chất lượng đường truyền kém, phương tiện học tập không đảm bảo…đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ ảnh hưởng rất nhiều bởi việc dạy và học trực tuyến.
Chính vì vậy, để học sinh đến trường an toàn là giải pháp phù hợp, đảm bảo phát triển được cả về tinh thần và thể chất cho học sinh cũng như chất lượng giáo dục sẽ được duy trì và nâng cao, đồng thời chương trình năm học được kết thúc đúng thời gian quy định./.
VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO