Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số học nghề, tìm việc làm
Mô hình nuôi cá lồng của thanh niên Hợp tác xã Thẩm Phé (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu).
Trao đổi về lợi thế, khó khăn của đoàn viên, thanh niên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Bí thư Tỉnh đoàn ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, đều chung khẳng định: Lợi thế của đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số chính là sức trẻ, không ngại khó, ngại khổ. Nhưng rào cản đối với nhóm này lại rất nhiều. Thứ nhất là, thiếu vốn và kinh nghiệm; sau nữa là thiếu thông tin các chương trình đào tạo nghề và rào cản lớn nhất chính là thói quen, tập quán của số ít dân tộc ở vùng sâu, vùng xa khiến không ít thanh niên ngại thay đổi, ngại đi xa học nghề… Hiểu rõ những khó khăn đó của đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn ba tỉnh đã chủ động vào cuộc hỗ trợ đoàn viên, thanh niên học nghề, hỗ trợ vay vốn và tìm kiếm thông tin việc làm cung cấp đến đoàn viên, thanh niên.
Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Đặng Thành Huy cho biết: Bám sát Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về các mục tiêu đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm, Tỉnh đoàn Điện Biên chủ động nắm bắt thông tin, số lượng đào tạo nghề từ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề tỉnh và các hội, đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên cơ sở. Thể theo nguyện vọng, nhu cầu học của đoàn viên, thanh niên các cơ sở gửi về, Tỉnh đoàn chủ động phân nhóm nhu cầu, lập danh sách từng trường hợp cụ thể để quyết định cử đoàn viên, thanh niên theo học.
Theo cách đó, trong mấy năm gần đây, tỉnh Điện Biên có 8.938 đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; 2.258 đoàn viên, thanh niên được giới thiệu việc làm và hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tự tạo việc làm cho bản thân. Thực hiện Đề án “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2018-2022” của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Điện Biên chỉ đạo đoàn các cấp tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên các dân tộc thiểu số về nghề nghiệp, việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 280 đoàn viên, thanh niên tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 5 tỉnh, thành phố; tổ chức 16 hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng và giới thiệu việc làm thu hút hơn 1.150 đoàn viên, thanh niên các dân tộc tham gia.
Mặt khác, để hỗ trợ thanh niên con em đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp, tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh Điện Biên đã phối hợp triển khai 20 hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, với sự tham gia của 1.809 đoàn viên, thanh niên, qua đó có 17 mô hình, dự án khởi nghiệp được lựa chọn hỗ trợ (3 triệu đồng/mô hình); riêng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ “Ủ bã dong riềng làm phân vi sinh” tại bản Xôm, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ được hỗ trợ 47 triệu đồng…
Với đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La, nhu cầu không chỉ dừng ở học nghề, mà số đông đều có nguyện vọng nâng cao khả năng quản trị theo mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, cho nên Tỉnh đoàn Sơn La đã phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ năng quản trị nhân lực, kỹ năng tìm kiếm thị trường… cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên là các chủ trang trại, mô hình phát triển kinh tế tại 12 huyện, thành phố.
Riêng với Đề án “Thanh niên khởi nghiệp, giai đoạn 2016-2021”, Tỉnh đoàn Sơn La đã triển khai tư vấn, hướng nghiệp cho 41.783 lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho 4.907 thanh niên, phối hợp đào tạo nghề 4.623 đoàn viên, thanh niên; tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho 95 lượt thanh niên; tổ chức sáu lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 445 lượt đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số. Cũng hoạt động tư vấn hướng nghiệp, trong năm 2021, Tỉnh đoàn Lai Châu đã hỗ trợ 21.392 đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề; giới thiệu việc làm cho 1.767 thanh niên.
Việc phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác quản lý nguồn vốn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế cũng được Tỉnh đoàn ba tỉnh đặc biệt quan tâm. Chị Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng, cho biết: Khi nắm rõ nguyện vọng, nhu cầu của đoàn viên để triển khai mô hình kinh tế cụ thể tại địa phương, Huyện đoàn sẽ cử cán bộ đoàn cơ sở trực tiếp hỗ trợ đoàn viên theo phương thức “1 kèm 1” từ khâu hoàn thiện thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách và trong suốt quá trình đoàn viên triển khai mô hình, cán bộ đoàn có trách nhiệm theo sát, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật triển khai. Với cách làm cụ thể đó, tại huyện Mường Ảng đã có hàng trăm đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số đã thành công với mô hình: vườn-ao-chuồng; vườn-ao, vườn-rừng… Điển hình như các đoàn viên: Quàng Văn Thiết (bản Ban, xã Mường Đăng); Quàng Văn Dũng (bản Xuân Món, xã Xuân Lao); Lò Văn Quý (bản Món Hà, xã Xuân Lao)… đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ các mô hình kinh tế nêu trên.
Thống kê trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh Điện Biên có gần 19 nghìn đoàn viên, thanh niên các dân tộc thiểu số được các cấp đoàn giới thiệu, bảo lãnh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế, với tổng vốn vay hơn 851 tỷ đồng; tỉnh Sơn La có hàng nghìn gia đình đoàn viên, thanh niên được vay hơn 500 tỷ đồng; tỉnh Lai Châu có hàng nghìn đoàn viên, thanh niên được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 629 tỷ đồng.
Hiện đã có hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế do đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số làm chủ, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/mô hình; nhiều mô hình do đoàn viên, thanh niên làm chủ tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, như: Mô hình Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp của đoàn viên Quản Bá Tới, ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, đem lại nguồn thu gần tỷ đồng mỗi năm; đồng thời tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động là đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Hay như mô hình nuôi trâu vỗ béo của đoàn viên Lò Văn Tán, dân tộc Thái, ở bản Đông Suông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã và đang tạo việc làm cho nhiều thanh niên dân tộc Thái ở xã Ngọc Chiến.
Giới thiệu về mô hình kinh tế của mình, anh Lò Văn Tán cho biết: Được Tỉnh đoàn Sơn La cử tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, được tham quan các mô hình chăn nuôi ở Lào Cai, nay tôi đã thành công với mô hình trồng 3 ha cỏ voi để nuôi trâu vỗ béo. Đến thời điểm này, tôi đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho hơn 60 con trâu (trị giá gần 4 tỷ đồng). Trước đó, tôi đã xuất bán gần 200 con. Cùng với tạo được thu nhập cao và ổn định cho gia đình, tôi còn tạo việc làm cho sáu thanh niên là con em đồng bào dân tộc Thái trong xã, với thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Ở tỉnh Lai Châu có đoàn viên Lò Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên đã và đang là điển hình được đoàn viên, thanh niên ngưỡng mộ, làm theo. Được Tỉnh đoàn Lai Châu hỗ trợ cho vay 170 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương đoàn, Dung đã vận động 10 thanh niên là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú tham gia Hợp tác xã Thẩm Phé và chọn hướng phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Được sự hỗ trợ của đoàn viên Lò Thị Dung và được Huyện đoàn hỗ trợ đào tạo nghề, đến nay 11 thành viên Hợp tác xã Thẩm Phé đã thành công với mô hình nuôi cá lồng, thu nhập bình quân mỗi người đạt hơn 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số tại ba tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó chính là thực trạng nhiều thanh niên “ngại” tham gia các khóa đào tạo nghề, vì suy nghĩ “học xong lại để đấy”, hoặc là ngại học vì không có vốn, sợ thất bại… Do vậy, nhiều thanh niên bỏ ruộng, bỏ nương đi làm công nhân tại khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi, thành phố lớn và coi đó như là giải pháp hữu hiệu.
Chị Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La cho rằng: Để đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số tìm việc làm, yên tâm lập nghiệp trên quê hương, rất cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và xã hội về thực hiện chính sách đào tạo nghề; các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu nhu cầu tuyển dụng từng ngành nghề đến các tổ chức hội, đoàn thể để đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận từ nhiều kênh thay vì phải đến tận cơ sở đào tạo mới biết nhu cầu việc cần người.
Đồng tình với ý kiến chị Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư tỉnh đoàn Sơn La, anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết thêm, từ kinh nghiệm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên học nghề, tìm việc làm của các cơ sở đoàn tiêu biểu trong tỉnh Điện Biên, như: Huyện đoàn Nậm Pồ, Huyện đoàn Mường Nhé và Huyện đoàn Mường Ảng, chúng tôi thấy rằng, việc nắm chắc nhu cầu học nghề, tìm việc làm của đoàn viên của đoàn cơ sở là rất quan trọng. Vì chỉ khi nắm chắc nhu cầu của đoàn viên theo từng nhóm nghề, dân tộc, điều kiện hoàn cảnh thì đoàn cơ sở mới có thể tư vấn, hướng nghiệp trọng tâm; và cũng từ đó, tổ chức đoàn mới làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cụ thể từng giai đoạn phù hợp nhu cầu người học, người làm.
Để tiếp lửa đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số chủ động học nghề, tự tin khởi nghiệp, Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu Nguyễn Tiến Thịnh cho rằng: Vai trò “người bạn đồng hành” với đoàn viên, thanh niên cần được tổ chức đoàn các cấp cụ thể hóa bằng phong trào, hành động chứ không thể “bê nguyên” phong trào từ Trung ương về địa phương, trong khi thực tế mỗi địa phương lại rất khác nhau. Để làm được như thế, rất cần sự dấn thân, không ngừng học tập của mỗi cán bộ đoàn và mỗi đoàn viên…
Tác giả: Cập nhật Thứ Năm, 03-03-2022, 06:45/Bài và ảnh: QUỐC TUẤN, LÊ LAN, TRẦN TUẤN/nhandan.vn
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
Thống kê truy cập
- Đang truy cập41
- Hôm nay10,437
- Tháng hiện tại317,654
- Tháng trước4,400,451
- Tổng lượt truy cập84,374,032