Khai thác tiềm năng, thế mạnh để du lịch Lai Châu cất cánh
Giàu tiềm năng…
Trong bài phát biểu tại Tọa đàm đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ do Tổng Cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức sáng 26/12, ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định: Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú, Lai Châu còn là tỉnh có vị trí quan trọng – cầu nối giữa Sapa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu sẽ khởi công ngày 27/12. Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai rất lớn.
Khai thác tối đa những lợi thế đó, đặc biệt thúc đẩy kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận để phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đưa vào khai thác 16 điểm du lịch, 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Lượng khách năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 1,8%/năm. Có thể khẳng định, du lịch Lai Châu từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.
Người Mông ở xã Sin Suối Hồ đã biết sử dụng bản sắc văn hóa truyền thống để tạo sản phẩm du lịch độc đáo.
Trong đó, phải kể đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Không chỉ cảnh sắc thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ mà cách làm du lịch của cộng đồng người Mông nơi đây rất khoa học, bài bản, dù hội nhập nhưng vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống. Sin Suối Hồ là minh chứng điển hình nhất cho sự thành công của loại hình du lịch cộng đồng tại Lai Châu.
Cùng với Sin Suối Hồ, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã biết cách khai thác tiềm năng, vẻ đẹp riêng có của mình để phát triển du lịch. Điển hình là bản Sì Thâu Chải với thác Tác Tình - nơi có dịch vụ bay dù lượn; bản Thẳm phục vụ du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống, ẩm thực dân tộc Lự; bản Lao Chải 1 phục vụ du khách thích ngắm hoa hay bản San Thàng với phiên chợ đặc sắc. Lai Châu còn sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách. Một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có quốc lộ 4D, quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc), tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc.
Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo.
Cầu kính Rồng Mây (huyện Tam Đường) được xem là công trình cầu kính cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
… đưa du lịch Lai Châu tiếp cận thị trường quốc tế
Nhìn tổng thể thì du lịch Lai Châu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn cũng như các chuyên gia về du lịch thì doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp so với cả nước; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp. Công tác quảng bá, xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, chưa thu hút được thị trường khách du lịch có mức chi trả cao; hình ảnh du lịch của tỉnh chưa đến được thị trường quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Dũng – Công ty Du lịch và Thương mại Sang Trọng (Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù rất giàu tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch nhưng lại chưa được truyền thông một cách đầy đủ, vậy nên việc tìm từ khóa của Lai Châu đối với khách nước ngoài chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, những mặt hàng nông sản đặc trưng, ẩm thực độc đáo chưa được giới thiệu, quảng bá đầy đủ để có thể tăng chi phí của du khách.
Theo cách nhìn nhận của cá nhân ông Tưởng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Lữ hành Lâm Đồng, Giám đốc TA Travel Đà Lạt, Lai Châu có rất nhiều cung đường đẹp, núi non có độ dốc lớn nhưng các điểm du lịch lại đơn lẻ, du khách sẽ cảm thấy lạc lõng. Thậm chí, trên hành trình dài di chuyển giữa các điểm, không có mô hình điểm check-in, dừng nghỉ chân với dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách. Đối với các sản phẩm du lịch nên đưa vào cách tiếp cận mới, thổi hồn, tạo ra câu chuyện khiến du khách có cảm tình, dễ nhớ, từ đó có quảng bá về sau.
Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, ưu tiên phát triển các dự án du lịch tại địa phương
Đảm bảo các yếu tố “cần” và “đủ” để phát triển hơn nữa “ngành công nghiệp không khói”, nhất là thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, dưới góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho rằng: Lai Châu có tiềm năng, thế mạnh, nhiều cảnh quan đẹp, đặc sắc, mang tính đặc thù, riêng có của Lai Châu, ít địa phương nào có được. Tuy nhiên, trong thời gian tới, địa phương cần làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá. Có những liên kết với các địa phương lân cận. Đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn bà con cách làm du lịch. Thông tin cụ thể, rõ ràng trong đảm bảo công tác phòng chống dịch để tạo điều kiện nhanh gọn, thuận lợi cho công ty lữ hành cũng như du khách.
Được biết, xác định rõ những hạn chế của du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh Lai Châu có chủ trương ưu tiên phát triển các dự án đầu tư du lịch tại địa phương có thế mạnh đặc thù, thông qua đó thu hút đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng.
Vùng cao Sìn Hồ được UBND tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển nhằm thu hút đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng.
Thể hiện rõ hơn quan điểm này, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Trong giai đoạn mới, Lai Châu sẽ tiếp tục cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”. Từ đó, tạo ra sản phẩm mới hội tụ đầy đủ các yếu tố “đặc thù, hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Và, hướng đến năm 2030, Lai Châu đón trên 5 triệu lượt khách du lịch.
Tác giả: Hồng Thắm - Ngọc Duy
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trƣờng và công tác quản lý giá tháng 10 năm 2023
Thống kê truy cập
- Đang truy cập62
- Hôm nay10,762
- Tháng hiện tại251,602
- Tháng trước359,313
- Tổng lượt truy cập83,509,950