Thứ ba, 21/01/2025, 23:15

Đòi hỏi hai chiều

Chủ nhật - 05/06/2022 07:18
Hoạt động trải nghiệm là phần học không thể thiếu trong chương trình giáo dục phổ thông mới kể từ năm 2018. Làm thế nào để loại hình hoạt động này...

Hoạt động trải nghiệm là phần học không thể thiếu trong chương trình giáo dục phổ thông mới kể từ năm 2018. Làm thế nào để loại hình hoạt động này thật sự thu hút, tạo nên những tác động tích cực tới nhận thức của các em học sinh?

Trải nghiệm các trò chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HÀ TRANG

Ðến bảo tàng để chơi mà học

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, các bảo tàng đã có đa dạng hình thức thu hút khách tham quan không chỉ là học sinh, sinh viên. Tiêu biểu như Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thành lập các câu lạc bộ "Em yêu lịch sử", "Giờ học lịch sử" dành cho học sinh, nhóm gia đình và nhà trường. Mô hình này đã được nhiều bảo tàng khác học tập triển khai và cho thấy những hiệu quả đáng kể, thu hút được nhiều nhà trường và học sinh tham gia.

Một số bảo tàng đã có nhiều hình thức tổ chức cho các em được giao lưu với nhân chứng lịch sử, trải nghiệm làm MC, thuyết trình, hùng biện về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử hay vẽ tranh, tập làm các mô hình, tượng sáp côn trùng, động vật... tạo cơ hội giúp các em được thể hiện bản thân cũng như rèn luyện kỹ năng mềm về nhận thức văn hóa xã hội. Cô Phạm Thị Ngọc Thúy, Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, thông qua hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, các em được tiếp xúc với hiện vật thật, giúp kiến thức được khắc sâu và toàn diện hơn. Thêm vào đó, việc tiếp cận kiến thức lịch sử còn giúp học sinh thu nạp được hiểu biết về địa lý, khoa học... tức là kiến thức đa ngành, rất bổ ích.

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, mô hình sinh hoạt câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" được áp dụng định kỳ hằng năm với nhiều chủ đề khác nhau, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh và giáo viên, dần trở thành một trong những hoạt động giáo dục mang thương hiệu đặc trưng của Bảo tàng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, một trong những bảo tàng cấp tỉnh thu hút được đông đảo du khách, cũng đã tổ chức nhiều chương trình dành riêng cho học sinh và nhà trường, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, qua số liệu khảo sát, hiện mới có khoảng 30% số trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước thực hiện được việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng.

Những hướng mở tiềm năng

Một thực tế đáng quan tâm là việc tổ chức hoạt động trải nghiệm ở ngoài trường học phụ thuộc vào kinh phí xã hội hóa, chủ yếu từ đóng góp của phụ huynh học sinh. Vì vậy, đối với những trường học ở các địa bàn xa khu vực đô thị, xa các bảo tàng lớn, việc tổ chức một chuyến đi trải nghiệm ở bảo tàng là không đơn giản.

Theo thầy Nguyễn Anh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), mỗi chuyến đi trải nghiệm thực tế 1-2 ngày, phụ huynh mỗi học sinh phải đóng kinh phí từ 350.000 đồng đến cả triệu đồng, tùy vào cự ly và khu vực đến. Hơn nữa, hoạt động trải nghiệm thì cần được tổ chức dựa trên tâm lý, lứa tuổi và sở thích của học sinh trong khi ở lứa tuổi trung học phổ thông, các em ít có hứng thú đến bảo tàng mà muốn đi dã ngoại xa, trải nghiệm thực tế nhiều hơn như leo núi, picnic, vào nông trại, khu phức hợp... Với đối tượng học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở, các em thích các hoạt động trải nghiệm, khám phá, sáng tạo, nên cần tổ chức các hoạt động, trò chơi linh hoạt, để các em được vận động, giao lưu, tương tác giữa các đội nhóm, qua đó bồi dưỡng thêm tri thức và các kỹ năng cần thiết. Ở cấp mầm non, những chuyến tham quan trong ngày theo các chủ đề học trên lớp như thăm nông trại, khu bảo tồn thiên nhiên hay các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống sẽ phù hợp hơn.

Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, giảm giá vé tham quan cho học sinh, sinh viên, các bảo tàng có lẽ cần phải cải tiến, bổ sung thường xuyên, liên tục các chương trình hoạt động mới của mình. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ hiếm hoi có lượng khách thường xuyên đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, trong đó có đông đảo các em học sinh, đặc biệt là vào những dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 hay Tết Trung thu, nghỉ hè. Bảo tàng từng có ba lần nhận danh hiệu "Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam". TS Đặng Xuân Thanh, Giám đốc Bảo tàng, chia sẻ một số kinh nghiệm: để phù hợp đời sống đương đại, hoạt động tại các bảo tàng không thể đóng khung như "tháp ngà", nặng tính hàn lâm nhưng lại xa lạ với cộng đồng. Việc đầu tư vào nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục càng phải phong phú hấp dẫn để du khách muốn quay lại những lần sau chứ không phải "một đi không trở lại".

Sự xuất hiện của mô hình bảo tàng thông minh đang mở ra một hướng đi mới, đòi hỏi các bảo tàng cần nhanh chóng nắm bắt, kịp thời thích ứng với xu thế thời đại. Việc tham quan bằng công nghệ thực tế ảo (VR Tour hay 360 VR Tour) với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính sẽ giúp du khách tham quan toàn cảnh không gian, đồng thời có thể tương tác, quan sát tất cả các vị trí khác nhau như chính họ đang ở trong các căn phòng bảo tàng. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những giải pháp, bởi sức hấp dẫn lớn nhất của một bảo tàng vẫn luôn là hiện vật thật, trải nghiệm thật để đưa tới những câu chuyện sống động về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên… cho con người hôm nay, đặc biệt là với các công dân tương lai.

Tác giả: Cập nhật, Thứ Năm, 26-05-2022, 15:10/ĐỨC HIỂN//nhandan.vn

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay13,050
  • Tháng hiện tại312,462
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,368,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây