Thứ tư, 22/01/2025, 01:51

Nghịch lý và tiềm năng

Thứ năm - 02/06/2022 06:54
Nhiều năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế-xã hội phát triển, người dân có nhiều hơn những lựa chọn các phương tiện và điều kiện thụ hưởng kiến...

Cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk tìm hiểu hiện vật. Ảnh: NGỌC AN

Cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk tìm hiểu hiện vật. Ảnh: NGỌC AN


Một mạng lưới đa dạng, phong phú

Theo thông tin của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nước ta hiện có năm phân nhánh bảo tàng: bảo tàng cấp quốc gia; bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội cấp trung ương; bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội cấp trung ương; bảo tàng cấp tỉnh; và bảo tàng ngoài công lập.

Thủ đô Hà Nội là nơi tụ hội nhiều nhất cả về số lượng và loại hình các bảo tàng, từ tổng hợp đến chuyên ngành, từ công lập đến tư nhân. 11 trong số hơn 20 bảo tàng thuộc các tổng cục, binh chủng trực thuộc Bộ Quốc phòng nằm trên địa bàn Thủ đô, rất đa dạng về thể loại: từ bảo tàng tổng hợp, đóng vai trò chủ đạo ở tầm vĩ mô như Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thường được gọi là Bảo tàng Quân đội) đến bảo tàng chuyên biệt như Bảo tàng Chiến thắng B52, hay chuyên ngành như Bảo tàng Thông tin liên lạc, Bảo tàng Hậu cần, Bảo tàng Phòng không-Không quân… Bộ Công an và Công an TP Hà Nội đều có bảo tàng riêng. Một số bảo tàng về tài nguyên thiên nhiên trực thuộc các bộ, viện chuyên ngành như Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Tài nguyên rừng cũng được xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã triển khai bảo tàng của ngành mình… Ý niệm về một địa chỉ "bảo tàng" cũng đã có trong ít nhất là ba trường đại học lớn ở Hà Nội: Bảo tàng Nhân học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Sinh vật của Khoa Sinh học (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), nhà Bảo tàng của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tính trung bình mỗi tỉnh, thành phố có hơn hai bảo tàng hoạt động cơ bản dựa vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều bảo tàng tư nhân, rải rác ở khắp các địa phương: Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,... Mô hình này cũng chứa đựng rất nhiều tiềm năng phát triển, đa dạng về quy mô, phong phú về nội dung, bổ sung cho những nhánh thông tin dữ liệu và hình thức hoạt động mà hệ thống bảo tàng công lập chưa thể đảm đương.

Bảo tàng không thể chỉ là nơi "tàng" và "trữ"

Nhưng lâu nay, hệ thống phong phú các bảo tàng trên cả nước, đặc biệt là hệ thống bảo tàng công lập, đã phát huy vai trò và chức năng xã hội của mình như thế nào? Vị thế xã hội của các bảo tàng công lập đã thật sự cân xứng với quy mô và chi phí ngân sách nhà nước đầu tư hằng năm?

Trên thực tế, phần lớn các bảo tàng công lập trên cả nước đều tọa lạc ở những vị trí đắc địa trong đô thị. Chỉ riêng nguồn tài sản từ quỹ đất công này cũng đã là một giá trị rất lớn mà nhà nước dành đầu tư cho loại hình này. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dành cho các bảo tàng công lập còn bao gồm chi phí nhân công, nghiên cứu sưu tầm, duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất hằng năm. Tuy nhiên, số lượng bảo tàng thể hiện được vị trí xã hội tương xứng với sự đầu tư đó còn khá khiêm tốn.

Có thể lấy thí dụ từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tọa lạc trên khu đất vàng của Thủ đô (ngã tư Nguyễn Thái Học-Văn Miếu, quận Ba Đình) với diện tích xấp xỉ 4.700m2, bảo tàng có khoảng 3.000 hiện vật trưng bày, trong đó có chín hiện vật thuộc danh mục Bảo vật quốc gia, và gần 20 nghìn hiện vật lưu trữ trong kho. Riêng khu vực lưu trữ và phục chế hiện vật (cơ sở 2 của bảo tàng, thuộc địa phận quận Đống Đa) cũng là một khu đất đẹp với diện tích hàng nghìn m2. Là bảo tàng chuyên ngành văn học nghệ thuật duy nhất của cả nước thuộc nhóm các bảo tàng cấp quốc gia (xếp hạng 1), sau gần 60 năm hoạt động, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa thể đảm trách được vai trò là trung tâm nghiên cứu-sưu tầm hàng đầu về mỹ thuật của cả nước, là nơi công bố những nghiên cứu-sưu tầm quan trọng thông qua các triển lãm chuyên đề và ấn phẩm chuyên biệt/ chuyên khảo-công việc này đã và đang được một số cá nhân trong nước hoặc các tổ chức nước ngoài làm rất tốt. Lâu nay, các triển lãm diễn ra tại khu vực trưng bày chuyên đề của bảo tàng đều là sự kiện dịch vụ cho thuê không gian và do tư nhân tự tổ chức, ngoại trừ một vài triển lãm chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị hằng năm.

Một nghịch lý khác là hiện nay, nhiều bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh chưa thể phát huy hiệu quả hoạt động, vì đến tòa nhà bảo tàng cũng chưa được đầu tư. Trong khi, lại có những bảo tàng địa phương được xây dựng nhà trưng bày to đẹp, hiện đại nhưng nội dung bên trong lại không thật sự tương xứng với tiêu chuẩn của một bảo tàng đúng nghĩa. Minh chứng điển hình cho hiện trạng này là Bảo tàng Hà Nội, hàng nghìn tỷ đồng xây dựng tòa nhà và thiết kế khuôn viên chung quanh nhưng vừa xây xong đã xuống cấp. Đến nay, gần 12 năm sau khi khánh thành, bảo tàng này vẫn đang trong quá trình bàn thảo cho công tác trưng bày nội dung và tiếp tục phải thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Một tương lai mới

Không phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) là ba bảo tàng ở Việt Nam nổi bật trên các diễn đàn thông tin du lịch phổ biến nhất thế giới. Trong bối cảnh chung đều là bảo tàng công lập, với sự hạn chế nhất định về nguồn lực tài chính cũng như những ràng buộc của cơ chế sử dụng đầu tư công, nhu cầu đến với bảo tàng của công chúng Việt Nam chưa cao, danh tiếng và uy tín quốc tế của ba bảo tàng nói trên đã cho thấy rõ ràng, con đường đi hiệu quả nếu đội ngũ cán bộ nhân viên của bảo tàng cùng hợp lực thay đổi tư duy hoạt động, hướng đến mục tiêu lớn nhất là công chúng.

Từ nhiều năm trước, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã chú trọng mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm tình nguyện viên, xây dựng dự án công việc cụ thể, như là trưng bày chuyên đề và sản phẩm phụ trợ, qua đó, nhân viên của bảo tàng trực tiếp học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để chủ động cập nhật kiến thức nghề nghiệp. Diện mạo và nội dung trưng bày của tòa nhà chính của bảo tàng hiện nay là kết quả từ sự hợp tác với các chuyên gia nước ngoài. Từ năm 2016, bảo tàng cũng đã nỗ lực đầu tư thực hiện dịch vụ thuyết minh tự động (audio guide), ban đầu với ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, đưa vào phục vụ từ năm 2017. Trang web chính thức của bảo tàng cập nhật thông tin với ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp và đang thử nghiệm với tiếng Nhật. Đây có lẽ là trang tin trực tuyến có nhiều phiên bản ngôn ngữ nhất trong tất cả các bảo tàng công lập ở Việt Nam hiện nay.

Mô hình triển lãm chuyên đề do bảo tàng tự xây dựng, thiết kế cùng với những xuất bản phẩm, sản phẩm lưu niệm song hành được bày bán trong thời gian diễn ra triển lãm chuyên đề chính là một cách hấp dẫn khách tham quan. Các sản phẩm phụ trợ như vậy thoạt nhìn đơn giản nhưng nó được thiết kế dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng và tinh tế của đội ngũ chuyên môn, có vai trò gắn kết các bộ phận trong bảo tàng, biến nơi đây thành một chỉnh thể độc đáo khó thay thế, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách tham quan. Đây là cách làm đã khá phổ biến trong hoạt động của các bảo tàng chuyên nghiệp trên thế giới.

Nhiều bảo tàng địa phương cũng đã và đang tích cực triển khai các chương trình giáo dục ngoài nhà trường, kết hợp với các cơ sở trường học trên địa bàn để đưa học sinh đến bảo tàng trải nghiệm các hình thức giáo dục mới, sáng tạo mới giàu yếu tố trực quan, như các bảo tàng Bắc Ninh, Thái Nguyên. Bên cạnh đó, mô hình bảo tàng trực tuyến, giới thiệu không gian ảo 3D cũng được một số bảo tàng xây dựng một cách nghiêm túc, có cả thuyết minh ngoại ngữ nhằm thu hút sự chú ý ban đầu của công chúng rộng rãi, như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh...

Trong bối cảnh mới của đời sống kinh tế xã hội, để phát huy mọi tiềm năng giá trị to lớn của mình, mỗi bảo tàng chắc chắn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tự lực đổi mới toàn diện để thể hiện sức sống của chính mình. Thực tế, không một bảo tàng nào có thể phục vụ công chúng ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ nhận thức. Việc xác định công chúng mục tiêu là rất quan trọng đối với từng đơn vị bảo tàng hiện nay. Vì vậy, việc đầu tiên mỗi bảo tàng có thể làm chính là thực hiện nghiêm túc việc khảo sát, sàng lọc công chúng mục tiêu của mình để có phương hướng hoạt động phù hợp.

- Cả nước hiện có 187 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập.

- Tính đến hết năm 2020, còn 19/63 bảo tàng cấp tỉnh chưa có tòa nhà bảo tàng.

- Hệ thống bảo tàng trên cả nước hiện lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tác giả: Cập nhập, Thứ Năm, 26-05-2022, 15:19/NHẤT CHI MAI/https://nhandan.vn

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập123
  • Hôm nay8,009
  • Tháng hiện tại315,226
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,371,604
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây