Văn hóa còn, dân tộc còn...
Ảnh: Việt Phú
Bản sắc văn hóa Việt trong dặm dài lịch sử
Nhiều nhà văn hóa khẳng định, văn hóa xuất hiện khi con người biết lao động sáng tạo. Quá trình đó giúp con người hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, vóc dáng và tư duy, ý chí và tình cảm, qua đó dần hình thành, bồi đắp nên giá trị chân - thiện - mỹ. Trang cuối bản thảo tập thơ “Nhật ký trong tù”, mục “Đọc sách và báo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm về ý nghĩa của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Rõ ràng, văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu về tinh thần, mà còn giúp hoàn thiện con người - nhân tố quyết định nguồn lực nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc.
Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, có thể thấy rõ sự hiển hiện của cốt cách, tinh thần, sức mạnh văn hóa Việt, nhất là trong những giai đoạn cam go, thử thách, những bước ngoặt lịch sử của dân tộc, những đặc tính ấy càng tỏa sáng. Theo Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức, giá trị cốt lõi của dân tộc ta là tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình, truyền thống đoàn kết, nhân văn, nhân ái. Đặc trưng văn hóa của người Việt còn bao gồm ý chí tự lập, tự cường, cần cù, sáng tạo, dám hy sinh. “Không phải tự nhiên mà nước ta với hơn nghìn năm Bắc thuộc vẫn giữ nguyên được ngôn ngữ và phong tục tập quán; dân tộc ta trải qua bao binh biến thăng trầm vẫn vang danh cốt cách “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Đó là nhờ nền tảng văn hóa mang đặc tính dân tộc luôn được hun đúc, củng cố và bảo vệ trong suốt chiều dài lịch sử”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhận định.
Trong quá khứ, văn hóa truyền thống là yếu tố không thể thiếu để dân tộc ta làm nên những điều thần kỳ, thì trong xây dựng đất nước hôm nay, văn hóa được xác định là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: “Văn hóa là một mặt trận quan trọng”, văn hóa là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hơn 35 năm công cuộc đổi mới đất nước và hơn 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã cho thấy sức sống kỳ diệu và chân lý đúng đắn về giá trị văn hóa, con người Việt. Trong hai năm qua, sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc lại thêm một lần trỗi dậy khi cả nước trên dưới một lòng chung tay chống đại dịch Covid-19.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”
Đồng hành với lịch sử dân tộc, văn hóa luôn có sự vận động không ngừng. Trong giai đoạn hiện nay, những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra cho nước ta những yêu cầu mới về củng cố, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Để những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng về văn hóa được triển khai đồng bộ và toàn diện, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, cuối tháng 11-2021, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đánh giá kết quả xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời gian qua, những thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa trong giai đoạn mới. Hội nghị còn là dịp liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”. Khẳng định “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm; 4 nhóm giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Kỳ vọng vào những chuyển biến mới trong công cuộc chấn hưng văn hóa sau hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta cần phải có một bộ lọc thật tốt, sức đề kháng thật mạnh để tiếp nhận được những tinh hoa thực sự của nhân loại, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của mình. Đồng tình với quan điểm trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Chức, điều cốt yếu vẫn là tự mỗi người phải gìn giữ, phát huy giá trị cốt lõi của người Việt, có ý thức bổ sung những giá trị mới góp phần hoàn thiện cốt cách Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập toàn cầu.
Tác giả: Cập nhật 05:58 thứ ba ngày 01/02/2022/NGUYỄN THANHd/hanoimoi.com.vn
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trƣờng và công tác quản lý giá tháng 10 năm 2023
Thống kê truy cập
- Đang truy cập29
- Hôm nay8,457
- Tháng hiện tại276,611
- Tháng trước359,313
- Tổng lượt truy cập83,534,959