Thứ năm, 21/11/2024, 18:30

Phát triển kinh tế lâm nghiệp

Thứ hai - 26/09/2022 12:59
(BLC) - Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt trước mắt và lâu dài trong định hướng phát triển kinh tế bền vững...

Tính đến tháng 9/2022, tổng diện tích đất có rừng của Nậm Nhùn là trên 77.000ha với tỷ lệ độ che phủ đạt gần 55,72%. Rừng Nậm Nhùn có ý nghĩa rất quan trọng trong điều tiết nguồn nước bởi đây là thượng nguồn của nhiều sông, suối cung cấp nước cho các công trình thủy điện. Đặc biệt là Nhà máy Thủy điện Lai Châu, công trình trọng điểm quốc gia và nhiều nhà máy thủy điện có quy mô nhỏ khác.
Cùng với đó, giữ rừng cũng chính là giữ sinh kế lâu dài cho người dân khu vực có rừng khi nhiều hộ dân có thu nhập từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, khai thác các sản phẩm từ rừng.

Xác định thế mạnh đó, huyện Nậm Nhùn đã thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững, cùng với thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để trồng, bảo vệ và phát triển rừng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, trọng tâm của công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp chính là triển khai trồng quế. Loại cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả giảm nghèo đã được khẳng định ở các tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đương như: Lào Cai, Yên Bái.

Nhằm vận động, thuyết phục người dân chuyển đổi những diện tích cây hàng năm kém hiệu quả như: ngô, lúa nương, sắn… sang trồng quế, UBND huyện tổ chức các chương trình tham quan, học hỏi tại các địa phương có kinh nghiệm trong trồng rừng và hưởng lợi ích kinh tế từ rừng trồng mang lại. Qua các chuyến tham quan, huyện đánh giá hầu hết người dân đã thay đổi nhận thức rất lớn về việc tham gia trồng rừng, thậm chí nhiều hộ dân còn tự bỏ kinh phí để mua giống cây về trồng khi người dân hiểu và nắm được các chính sách, quyền lợi được hưởng khi tham gia trồng rừng.

Ngoài ra, trong quá trình trồng rừng, cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện được phân công xuống các xã, thị trấn tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Nhân dân thực hiện trồng rừng. Triển khai trồng, chăm sóc rừng trồng đảm bảo kỹ thuật, thời gian.

Người dân bản Táng Ngá, xã Nậm Chà trồng quế trên đất nương kém hiệu quả.

Người dân bản Táng Ngá (xã Nậm Chà) trồng quế trên đất nương kém hiệu quả.

Nhờ chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền và chỉ đạo công tác trồng rừng mới đảm bảo theo kế hoạch hàng năm. Giai đoạn 2016-2021 huyện đã trồng được trên 1.000ha rừng nâng độ che phủ đạt 55,72%. Một số xã triển khai thực hiện vượt kế hoạch trồng rừng được giao hàng năm như: Nậm Chà, Hua Bum, Nậm Pì. Bên cạnh việc trồng rừng, các xã, thị trấn đã trồng được 450ha cây ăn quả trong đó chủ yếu là các loại cây như: nhãn, xoài, bưởi… vừa tăng thu nhập và nâng cao độ che phủ đất trên địa bàn huyện.

Những ngày giữa tháng 9/2022, chúng tôi đã có mặt tại xã Nậm Chà. Một trong những xã tiêu biểu trong triển khai trồng rừng của huyện Nậm Nhùn. Việc triển khai trồng rừng được người dân trong xã đồng tình ủng hộ khi chỉ tiêu trồng 80ha rừng trong năm đã được hoàn thành. Những cánh rừng quế xanh mướt ở bản Táng Ngá, Nậm Chà mang theo niềm tin, hy vọng của người dân về cuộc sống khấm khá, thu nhập cao hơn so với những loại cây trồng trước đây.

Tại xã Nậm Pì, chỉ tiêu trồng 82ha rừng cũng được hoàn tất trước khi mùa mưa kết thúc. Trong đó có 60ha quế và 22ha rừng phòng hộ. Từ việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nên đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày một cải thiện nâng cao.

Ông Phàng A Châu, bản Pề Ngài 2, xã Nậm Pì, một tấm gương tiêu biểu trong phong trào trồng rừng của huyện Nậm Nhùn.

Ông Phàng A Châu (bản Pề Ngài 2, xã Nậm Pì) - tấm gương tiêu biểu trong phong trào trồng rừng của huyện Nậm Nhùn.

Được biết, năm 2022, huyện Nậm Nhùn được giao trồng mới 490ha rừng; trong đó, quế 400ha, cây gỗ lớn 50ha, rừng phòng hộ 40ha đã được hoàn thành trước mùa mưa. Ngoài diện tích được giao, người dân trên địa bàn huyện cũng đăng ký trồng thêm 147ha quế và 5,8ha rừng phòng hộ, nâng tổng diện tích trồng rừng mới của toàn huyện lên 608ha, vượt chỉ tiêu được giao.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Nậm Nhùn đề ra mục tiêu trồng mới 1.850ha rừng trong đó trồng mới trên 1.405ha cây quế, 150ha cây gỗ lớn và 295ha rừng phòng hộ. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn huyện có trên 30.000ha có thể phát triển cây lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện Nậm Nhùn đã xây dựng vùng, lựa chọn cây trồng chủ lực 16.000ha có độ cao dưới 800m có thể phát triển cây quế; độ cao từ 800-1.200 mét trên 10.000ha phù hợp phát triển cây mắc-ca; diện tích còn lại ưu tiên trồng rừng phòng hộ, rừng gỗ lớn.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, huyện Nậm Nhùn cũng tạo cơ chế thu hút, mời gọi các các đơn vị, tổ chức tham gia cùng địa phương triển khai thực hiện các mô hình, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần không nhỏ trong bảo vệ và phát triển rừng. Với nguồn lợi không nhỏ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường hàng năm, nhận thức của Nhân dân đối với việc bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, người dân thấy rõ được lợi ích của việc bảo vệ rừng đem lại. Năm 2021, huyện Nậm Nhùn thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Nậm Nhùn có tổng diện tích tự nhiên là 138.808,39ha, trong đó, qua rà soát thống kê diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp trên 83.000ha, chiếm 64,9% diện tích tự nhiên. Trong quy hoạch của tỉnh, huyện Nậm Nhùn thuộc vùng kinh tế, sinh thái nông - lâm nghiệp dọc Sông Đà; vùng đầu nguồn của các công trình Thủy điện Quốc gia. Với vị trí địa lý đặc thù, kinh tế lâm nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Vì vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được huyện chú trọng triển khai thực hiện”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các mục tiêu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững của huyện Nậm Nhùn sẽ đóng một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân.

Tác giả: Nguyễn Tùng

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập67
  • Hôm nay10,762
  • Tháng hiện tại251,434
  • Tháng trước359,313
  • Tổng lượt truy cập83,509,782
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây