Thứ năm, 21/11/2024, 19:01

Phát triển cây quế: Triển vọng giảm nghèo của Lai Châu

Thứ hai - 24/01/2022 01:36
(BLC) - Tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, liền vùng; từng...

Trên đất nương của gia đình anh Lò Văn Tiên ở bản Phiêng Áng, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên chỉ trồng sắn. Canh tác nhiều năm, đất cằn cỗi, năng suất sắn năm sau giảm hơn năm trước. Trong lúc loay hoay tìm hướng chuyển đổi thì năm 2016, cấp ủy, chính quyền xã, bản triển khai chủ trương phát triển rừng trồng thay thế với những chính sách hỗ trợ 1 lần về giống và hỗ trợ tiền cho việc chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất, gia đình anh mạnh dạn tham gia. Với diện tích 5ha, nhờ chăm sóc tốt, năm 2021, gia đình đã được tỉa cành, lá bán ra thị trường.

Là 1 trong 6 huyện của tỉnh được lựa chọn triển khai Đề án phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2030, nhờ quy hoạch diện tích phù hợp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, đến nay, huyện Tân Uyên đã có diện tích quế nhiều nhất tỉnh với hơn 3.000ha. Từ năm 2020, một số diện tích tại xã Tà Mít, Nậm Sỏ, Nậm Cần đã cho tỉa lá và cành bán cho hộ cá nhân và hợp tác xã trên địa bàn xã, huyện với giá thành 1 nghìn đồng/1kg lá, cành tươi để chiết xuất tinh dầu quế. Theo kế hoạch, từ năm 2021 – 2025, huyện sẽ tiếp tục triển khai trồng 300ha quế, nâng tổng diện tích lên 3.400ha. Do đó, đảm bảo đầu ra cũng như tạo thu nhập bền vững, Tân Uyên đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị cây quế.  

Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận khéo; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, cây quế cũng bén rễ và phát triển xanh tốt trên đồng đất huyện Nậm Nhùn. Riêng năm 2021, Nhân dân 7 xã trong huyện đã thực hiện vượt 102,19% kế hoạch trồng quế được giao (202,19/100ha); triển khai trồng dặm diện tích của năm 2018, 2019 là 55,17ha. Góp phần tăng độ che phủ rừng đạt 55,17%.

Nông dân xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) chăm sóc cây trồng quế.

Nông dân xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) chăm sóc cây trồng quế.

Quế không phải là loại cây mới tại Lai Châu. Qua quá trình phát triển, khẳng định giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều địa phương trong tỉnh. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây Quế trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 – 2030.

Trong quá trình triển khai thực hiện, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định về chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như công ty, doanh nghiệp có dự án. Các địa phương cũng có những cách làm sáng tạo như: tổ chức các đoàn với thành phần là lãnh đạo xã, thị trấn, bản và hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở vùng trồng quế hiệu quả tại các tỉnh bạn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” từ công đoạn phát dọn thực bì, làm đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch. Tăng cường tìm kiếm, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân trồng, thu mua và chế biến sản phẩm từ cây quế.

Người dân xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) chiết xuất tinh dầu từ lá cây quế.

Người dân xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) chiết xuất tinh dầu từ lá cây quế.

Hết năm 2021, 7/7 huyện triển khai hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.500ha. Trong đó, Tân Uyên nhiều nhất với gần 3.200ha; Sìn Hồ gần 2.400ha; Mường Tè trên 1.300 ha… Điều đó cho thấy, cây quế đã thực sự được người dân trong tỉnh đón nhận và xác định trồng quế là một nghề có thể thoát nghèo bền vững và làm giàu.

Tuy vậy, hiện nay, tâm lý chung của các hộ trồng quế trong tỉnh vẫn là đầu ra khi cây quế được thu hoạch. Vấn đề này cũng đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm. Theo đó, Sở sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây quế. Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế. Tổ chức vận động, hướng dẫn người dân đưa các sản phẩm của cây quế vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; xây dựng thương hiệu tinh dầu quế tỉnh Lai Châu.

Cây quế không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bước đầu có thu nhập cùng sự đồng hành của tỉnh về vấn đề đầu ra. Đây là điều kiện cần và đủ để người dân Lai Châu thêm vững tin vào định hướng phát triển của tỉnh.

Cây quế là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao. Vỏ cây quế thường được sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm phong phú. Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Ngoài ra, thân cây quế cũng là một loại gỗ rất tốt thường được sử dụng để chế tạo các đồ gia dụng.

Tác giả: Hồng Thắm - Ngọc Duy

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập80
  • Hôm nay10,762
  • Tháng hiện tại251,767
  • Tháng trước359,313
  • Tổng lượt truy cập83,510,115
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây