Thứ tư, 22/01/2025, 01:53

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật - 17/07/2022 18:05
(BLC) - Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, huyện Tân Uyên đã triển khai nhiều giải pháp chiến lược để nâng cao giá trị sản xuất nông...

Đối với ngành Nông nghiệp, Tân Uyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất. Đó không chỉ là khí hậu phù hợp mà còn có nguồn quỹ đất dồi dào với trên 45.000ha ở độ cao từ 500 - 3.100m so với mực nước biển, thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, thảo dược, nhất là những loại cây đặc sản riêng như: chè, lúa, quế, mắc-ca. Nhiều khu đất rộng, xa khu dân cư là điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế trang trại, gia trại quy mô lớn.

1

Người dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên thu hái chè bán cho các đơn vị thu mua.

Nhằm khai thác tối đa thế mạnh của địa phương gắn với việc nâng cao giá trị sản xuất của ngành kinh tế chủ lực, huyện lựa chọn các sản phẩm để hình thành vùng hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất công nghệ cao. Trong đó, xây dựng các mô hình hệ thống nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích các hộ liên kết trong sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm; tổ chức thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo nên các chuỗi liên kết bền vững và mang lại hiệu quả, giá trị cao. Quan tâm, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP tiêu biểu của ngành Nông nghiệp.

Đồng hành cùng với huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn, chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Hơn hết, các hộ dân của huyện Tân Uyên phát huy tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và không ngừng sáng tạo. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hái... Biến những vùng đất hoang, bạc màu thành khu chăn nuôi tiền tỷ, vùng hàng hoá tập trung cho hiệu quả kinh tế cao...

Với nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ từ người dân đến cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Tân Uyên, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp không ngừng được tăng lên. Cho đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm trên địa bàn huyện tăng bình quân 8,2%/năm. Toàn huyện có tổng diện tích trên 6.500ha cây lương thực, tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 31.000 tấn/năm; gần 600ha cây ăn quả.

Hiện tại, huyện hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Séng Cù, Khẩu Ký, Nếp Cò Giàng, Khẩu Hốc với diện tích 726ha; vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, bơ,...) với diện tích 320ha; vùng chè nguyên liệu 3.152,4ha; vùng trồng quế, sơn tra với diện tích 3.356,7ha… Hệ thống nhà màng, nhà lưới của huyện nâng lên 0,75ha, tập trung tại thị trấn Tân Uyên, Mường Khoa và Pắc Ta với các sản phẩm chủ lực: dưa lưới vàng, dưa chuột baby, cà chua. Trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ dân phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có 46.300 con; tổng đàn gia cầm có 225.065 con.

2

Các hộ dân ở thị trấn Tân Uyên tập trung xây dựng trang trại chăn nuôi đại gia súc để phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2021 huyện Tân Uyên đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gồm: 4 công ty, hợp tác xã chế biến chè, 3 đơn vị trồng cây ăn quả, 4 đơn vị trồng cây mắc-ca và 1 đơn vị chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, huyện thành lập, duy trì và tạo điều kiện hỗ trợ mọi mặt cho hàng chục hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Hiện nay, huyện có 13 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, hầu hết các sản phẩm đều thuộc ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện trở thành hàng hoá xuất khẩu như: chè, chuối… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 1,58 triệu USD, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Tác giả: Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập124
  • Hôm nay8,069
  • Tháng hiện tại315,286
  • Tháng trước4,400,451
  • Tổng lượt truy cập84,371,664
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây