Thứ năm, 21/11/2024, 19:34

Đa dạng sắc màu văn hóa

Thứ hai - 10/01/2022 10:22
(BLC) - Vùng cao Sìn Hồ không chỉ là vùng đất thơ mộng với những cánh rừng đại ngàn, cao nguyên lộng gió, cảnh quan hùng vĩ, hiểm trở. Mà còn lưu...

Sinh sống lâu đời trên núi cao, bên dòng Nậm Na đêm ngày gầm gừ tung bọt trắng xóa, cộng đồng 14 dân tộc trên vùng cao Sìn Hồ đã hình thành vốn văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, mỗi dân tộc đều có một nét riêng trong tổng thể nền văn hóa của vùng cao này. Quá trình chinh phục thiên nhiên, xây dựng địa bàn sinh sống, an cư lập nghiệp, đồng bào các dân tộc vùng cao Sìn Hồ đã tích lũy những quan niệm nhân sinh, dung hòa với thiên nhiên, theo thời gian dần chuyển hóa thành những phong tục, tập quán với những nét đặc trưng riêng biệt.

Phụ thuộc vào địa bàn các nhóm dân tộc định cư mà tín ngưỡng của họ được thay đổi phù hợp với tự nhiên. Được duy trì như món ăn tinh thần của cộng đồng, văn hóa vùng cao Sìn Hồ tồn tại trong dân gian, bảo lưu qua nhiều thế hệ. Đến nay, một số địa phương còn phát huy được những giá trị văn hóa cổ xưa, phục vụ phát triển kinh tế, thông qua biểu diễn, du lịch và các ngày hội lớn tại cộng đồng, quảng bá vẻ đẹp tại địa phương thu hút du khách tới tham quan.

Các phong tục, tập quán và giá trị văn hóa của bà con vùng cao Sìn Hồ đa dạng về loại hình, hình thức biểu diễn và phương thức lưu truyền. Nhờ có ý thức bảo vệ và giữ gìn, đến nay những tinh hoa của các dân tộc trên vùng cao này như trang phục truyền thống của người Mông, người Dao, người Thái, tất cả đều được bảo tồn nguyên vẹn. Đặc biệt văn hóa ẩm thực, tín ngưỡng mỗi dân tộc đều mang đậm bản sắc; người Thái có xôi ngũ sắc, người Mông có bánh giày, bánh ngô, người Dao lại có bánh đen. Người Mông có thể tự hào về nghề rèn, người Dao hãnh diện về nghề thuốc, với người Thái có trình độ sông nước, ngư nghiệp lâu đời. Sìn Hồ may mắn được sở hữu 3 tiểu vùng khí hậu, nên có đủ không gian cho các dân tộc ở đây thỏa sức phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa riêng. 

Đa dạng sắc màu văn hóa

Lễ cưới của người Dao ở Sìn Hồ đến nay vẫn được tổ chức với trang phục truyền thống và nghi lễ cổ truyền.

Vùng cao Sìn Hồ là nơi tập trung sinh sống của 14 dân tộc, văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, nhưng tại đây nổi bật hơn cả là văn hóa của nhóm cộng đồng người Mông, Dao tại các xã vùng cao và nhóm văn hóa Tày, Thái tập trung tại các xã vùng thấp dọc sông Nậm Na. Văn hóa cũng được phân chia ở các phong tục và tập quán mỗi dân tộc đều khác: các dân tộc đều có điểm riêng trong lễ nhà mới, cưới hỏi, thờ tổ tiên…

Bên cạnh đó, văn học dân gian được cộng đồng các dân tộc bảo tồn và lưu giữ qua hệ thống các bài hát, điệu nhạc, truyện cổ, đặc biệt có những dân tộc còn bảo tồn được chữ viết… Tất cả đã tạo nên một tổng thể di sản văn hóa quý giá chung của các dân tộc trên vùng cao Sìn Hồ, được giới thiệu đến công chúng thông qua nhiều lễ hội truyền thống.

Cái hay của văn hóa vùng cao Sìn Hồ là tất cả đều tự nhiên được thể hiện thường xuyên, qua các hoạt động thường ngày, trong không gian sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Chúng không nằm trên giấy hay trong ghi chép, người dân bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình bằng các hoạt động thực trong sinh hoạt như: đám cưới, ngày lễ, ngày hội bà con đều tổ chức theo đúng tập tục của dân tộc mình. 

Theo ông Mùa A Páo, nghệ nhân người Mông tại khu 4, thị trấn Sìn Hồ, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên vùng cao Sìn Hồ được duy trì hiện hữu tự nhiên trong đời sống của người dân, không cầu kỳ, rườm rà như tại các hội diễn ở nơi khác, nhưng nét đặc sắc, tinh hoa trong mỗi dân tộc đều sẽ được bộc lộ dần qua đời sống thường ngày. Ra đường đi chợ có thể dễ dàng phân biệt các dân tộc chỉ qua trang phục; nếu không nhìn mà lắng nghe ta có thể phân biệt được ngôn ngữ. Hoặc giai điệu từ nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc. Hiện nay, thế hệ trẻ tại địa phương còn dựa vào công nghệ thông tin, internet để quảng bá nét đặc sắc từ việc cưới hỏi, làm bánh tết, hay lễ hội của bản đều được chia sẻ rộng tới cộng đồng, để tiếp thêm cảm hứng cho thế hệ trẻ có đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc vùng cao.

Sìn Hồ có bề dày văn hóa đặc sắc đa dạng, nhưng đứng trước thời đại mới, với xu hướng mới và nền kinh tế thị trường năng động, các giá trị văn hóa cổ truyền đã ít nhiều bị mai một. Để bảo tồn nét đẹp văn hóa trong đời sống thường ngày tại vùng cao Sìn Hồ, rất cần ý thức của cả cộng đồng, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ từ các nghệ nhân nhằm khơi dậy niềm tự hào về bản sắc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ và văn hóa vùng cao Sìn Hồ trường tồn, lưu truyền đến mai sau.

Tác giả: Mạnh Hùng

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay10,762
  • Tháng hiện tại252,088
  • Tháng trước359,313
  • Tổng lượt truy cập83,510,436
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây