Thứ năm, 21/11/2024, 18:30

Chủ động đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu

Thứ tư - 18/05/2022 04:14
(BLC) - Mặc dù tỉnh mới phê duyệt nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn...

Đi trên những nương chè hay cánh đồng lúa ở miền quê Tân Uyên giờ đây đã hoàn toàn khác xưa bởi những tuyến đường nội đồng, đường sản xuất đã được đầu tư kiên cố, nhiều tuyến đổ bê tông phẳng lỳ. Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan chuyên môn huyện, tính đến hết năm 2021, tổng diện tích chè toàn huyện có khoảng 3.320ha, sản lượng chè búp tươi đạt 2.500 tấn; tập trung tại các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta, Hố Mít và thị trấn Tân Uyên. Để phục vụ cho việc sản xuất chè, trong nhiều năm qua, huyện đã cân đối nguồn kinh phí đầu tư mở mới, nâng cấp, sửa chữa 152km đường giao thông, trong đó chủ yếu là các tuyến đường kiên cố.

Đối với hạ tầng vùng sản xuất lúa hàng hóa, đến hết năm 2020 huyện có 726ha lúa hàng hóa, trong đó vùng sản xuất tập trung khoảng 300ha (chủ yếu là giống lúa séng cù, khẩu ký, nếp co giàng với sản lượng đạt 2.840 tấn). Để phục vụ cho việc sản xuất, đến nay, huyện đã đầu tư trên 23km đường giao thông nội đồng kiên cố và 25 công trình thủy lợi với tổng chiều dài kênh là 68km, năng lực khai thác cung cấp nước tưới cho 770ha.

Nhân dân xã Hố Mít được đầu tư công trình thủy lợi để phục vụ cho bà con nông dân trồng lúa, cây màu.

Cơ quan chuyên môn kiểm tra công trình thuỷ lợi bị sạt lở tại xã Hố Mít.

Trong vài năm trở lại đây, huyện đã đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều tổ chức doanh nghiệp đã tiếp cận và đầu tư nhiều dự án về trồng mắc ca, rừng, chuối và các loại cây kinh tế khác. Để tạo bước đệm cho quá trình sản xuất, huyện cũng đã chủ động đầu tư các tuyến đường giao thông phục vụ cho việc sản xuất, vận chuyển vật tư cho cây trồng.

Cụ thể là năm 2021, huyện thực hiện mở mới, nâng cấp gần 41km đường sản xuất. Trong đó, Nhà nước đầu tư mở mới, nâng cấp, sửa chữa 24,61km đường giao thông phục vụ sản xuất (nâng cấp đường giao thông nội vùng chè xã Phúc Khoa, đường giao thông nội đồng vùng lúa, đường sản xuất, đường nội đồng. Đối với đường sản xuất vùng quế, cây gỗ lớn, mắc ca, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tự mở 16,3km.  

Đường giao thông nội đồng được đầu tư tại xã Phúc Khoa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất chè.

Đường giao thông nội đồng được đầu tư tại xã Phúc Khoa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất chè.

Đánh giá về thực trạng hạ tầng tại các khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở huyện, đồng chí Đỗ Anh Tuấn – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Dù đã được đầu tư song hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông nội đồng phục vụ sản xuất có mặt đường nhỏ hẹp, tỷ lệ cứng hóa thấp đã gây khó khăn, cản trở cho việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và thu hoạch nông sản. Nhiều vùng chè, rừng tập trung nhưng vẫn chưa có hệ thống đường sản xuất.

Hệ thống thủy lợi vẫn còn kênh tạm nên khả năng dẫn nước tưới tại một số khu vực hạn chế, nhất là mùa khô, ảnh hưởng đến việc luân canh, tăng vụ, mở rộng diện tích gieo cấy. Nhìn chung, hạ tầng vùng quế, sơn tra, cây ăn quả bám theo đường liên xã, giao thông liên bản, đường mòn dân sinh trên địa bàn toàn huyện mới được đầu tư với tổng chiều dài còn khiêm tốn. Hệ thống đường lâm sinh các vùng sản xuất hầu hết chưa được đầu tư.

Cây mắc ca trên địa bàn Tân Uyên đang được xem là có nhiều triển vọng với rất nhiều chương trình, dự án của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 2.025ha, bao gồm mắc ca trồng xen chè và trồng thuần. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông vùng mắc ca cơ bản chưa được đầu tư, đối với các diện tích trồng xen chè chủ yếu sử dụng các tuyến đường sẵn có. Diện tích tập trung trồng thuần tại một số khu vực ở Pắc Ta, Nậm Cần, Mường Khoa, doanh nghiệp tự đầu tư mở mới khoảng 28km đường giao thông nông thôn cấp C, đường đất. Còn lại đối với vùng trồng mới cây gỗ lớn, cây ăn quả, nhiều khu vực chưa được đầu tư gì.

Ở Tân Uyên, chè được xem là cây có thế mạnh nhất trong việc quyết định nguồn thu nhập của người dân. Do đó các hộ dân luôn thiết tha bám đồi, bám nương để mở mới diện tích chè. Nhằm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung đến năm 2025 là khoảng 400ha, tuy nhiên khu vực quy hoạch trồng mới đều chưa có đường giao thông, nhu cầu cần tiếp tục đầu tư hạ tầng đường giao thông vùng chè hiện có và các vùng dự kiến trồng là hoàn toàn chính đáng.

Thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, huyện đặt ra mục tiêu đầu tư mở mới đường trục chính khoảng 66km phục vụ sản xuất vùng lúa, mắc ca, quế, cây ăn quả và cây gỗ lớn đảm bảo theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp C. Nâng cấp, cải tạo trên 34km đường trục chính vùng chè, ngoài ra đầu tư kiên cố 1 đầu mối và nâng cấp sửa chữa gần 7km kênh thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 277ha lúa hàng hóa tập trung. Để thực hiện được các mục tiêu đó, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng bao gồm các nguồn nhà nước đầu tư 73 tỷ đồng, nguồn vốn ODA gần 68 tỷ đồng, gần 29 tỷ đồng huy động doanh nghiệp đầu tư và 430 triệu đồng huy động Nhân dân đóng góp.

Hy vọng rằng với sự đầu tư kịp thời sẽ giúp huyện Tân Uyên đạt được nhiều mục tiêu đặt ra trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã xác định từ đầu nhiệm kỳ.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay10,762
  • Tháng hiện tại251,420
  • Tháng trước359,313
  • Tổng lượt truy cập83,509,768
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây