Xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực
Huyện Than Uyên không chỉ thuận lợi về giao thông gồm nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, thuận lợi giao lưu, thông thương hàng hóa với các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái mà còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trước hết phải kể đến cánh đồng Mường Than - rộng thứ 3 của vùng Tây Bắc.
Thông qua quy hoạch vùng, liên kết sản xuất với việc đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt là tìm ra giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng để gây dựng thương hiệu đặc sản địa phương. Và, giống lúa séng cù cũng vì thế được đưa vào trồng đại trà nơi đồng đất Than Uyên. Dưới đôi bàn tay cần cù, chịu khó của nông dân Than Uyên cùng sự tham gia liên kết của Hợp tác xã (HTX) xây dựng Thanh Xuân, gạo séng cù đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh (năm 2020); Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”.
Cánh đồng lúa huyện Than Uyên vào mùa thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX xây dựng Thanh Xuân, ngoài sản phẩm gạo séng cù, riêng năm 2020, đơn vị cũng có thêm 2 sản phẩm là: gạo tẻ tròn Than Uyên và gạo nếp tan pỏm Tà Hừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, HTX đã tiếp tục đầu tư, cải tiến mẫu mã bao bì nên thị trường tiêu mở rộng, doanh thu tăng khoảng 20% so với trước đây.
Với những thành công như vậy, HTX tiếp tục đưa sản phẩm gạo lứt séng cù tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2/2021 của tỉnh. Kết quả, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây chính là động lực để đơn vị tiếp tục khai thác thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Không sinh ra và lớn lên tại quê hương Than Uyên nhưng vì đam mê ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, chị Lê Thị Hà (thị trấn Than Uyên) đã quyết định theo đuổi công việc của bố mẹ chồng. Đó là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt trâu, thịt lợn gác bếp. Cùng với đầu tư trang thiết bị; chú trọng nhãn mác, bao bì; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cùng bí quyết nhà nghề, cả 2 sản phẩm của gia đình chị Hà đều được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2021.
So với các sản phẩm thịt trâu và lợn gác bếp hiện nay trên địa bàn tỉnh thì hộ kinh doanh Thiết Hà đã có sự đầu tư khá kỹ về bao bì.
Chị Hà chia sẻ: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt sấy. Để tăng sức cạnh tranh, tôi đã áp dụng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm: trực tiếp trên mạng xã hội; thông qua các đại lý, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, hộ kinh doanh trong và ngoài huyện… Quan trọng hơn là giá thành phù hợp, chất lượng đảm bảo, chuẩn vị Tây Bắc đã giúp cơ sở thu hút nhiều khách hàng.
Chương trình OCOP chính thức triển khai trên địa bàn huyện Than Uyên từ năm 2020. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX nắm được các chính sách đặc thù của tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tiêu biểu như: Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh Lai Châu về quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh Lai Châu về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 07, 08 của HĐND tỉnh quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025... Đồng thời, phối hợp tổ chức 3 lớp tuyên truyền về Luật HTX trên địa bàn xã Tà Hừa, Khoen On, Tà Mung; tổ chức hội nghị tập huấn Chương trình OCOP…
Sản phẩm mật ong của HTX Thanh Niên Pha Mu (xã Pha Mu) hoàn toàn từ tự nhiên với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự đồng hành của chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các HTX, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, phát huy những tiềm năng thế mạnh của vùng, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo việc làm cho người dân địa phương.
Kết quả, ngay trong năm đầu triển khai, toàn huyện đã có 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao. Tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng những sản phẩm mà Nhân dân sản xuất để nâng cao giá trị, năm 2021, Than Uyên có thêm 9 sản phẩm trong tổng số 12 sản phẩm tham dự Hội nghị đánh giá, phân hạng của tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Thời gian qua, huyện Than Uyên cũng chú trọng triển khai, nhân rộng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chủ lực. Riêng năm 2021 đã thành lập mới 5 hợp tác xã, nâng tổng số HTX đang hoạt động là 48, riêng lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tới 21 HTX. Góp phần quan trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 33.741 tấn; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 72,73%...
Trong 2 năm (2020, 2021), huyện Than Uyên có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao. Trong đó 1 sản phẩm 4 sao (gạo séng cù); 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao: gạo tẻ tròn, gạo nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, cá trắm và cá lăng sấy đặc sản dân tộc Khơ Mú, ruốc cá lăng, chả cá lăng viên, mật ong Pha Mu, gạo lứt séng cù, khẩu si và khẩu sén Nguyên Bình, bánh chưng gù Hoàng Thanh, thịt trâu và thịt lợn gác bếp Thiết Hà, giò gà và xúc xích gà Mường Than. |
Tác giả: Hồng Thắm - Ngọc Duy
Nguồn tin: baolaichau.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Tài liệu hướng dẫn giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh
- Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh số 1740/KH-UBND ngày 10/5/2024
- Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2024
- Kế hoạch phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2023
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
- Báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý giá tháng 4 năm 2024
- Báo cáo tình hình giá thị trường, công tác quản lý giá tháng 03 và quý I năm 2024
- Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá sản sản do Cục Thi hành án dân sự chuyển giao để làm thủ tục xác định giá khởi điểm
- Thông báo lịch tiếp công dân của Sở Tài chính năm 2024
Thống kê truy cập
- Đang truy cập101
- Hôm nay14,070
- Tháng hiện tại86,254
- Tháng trước4,400,451
- Tổng lượt truy cập84,142,632