Chủ nhật, 22/12/2024, 07:54

Tươi mới ở Hòa Hợp

Chủ nhật - 26/06/2022 09:02
(BLC) - Rời quê cũ Tà Mít đến nơi ở mới vì dòng điện sáng Quốc gia, Nhân dân bản Hòa Hợp (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) mang theo cả một miền...

Nhà văn hóa bản Hòa Hợp những ngày giữa tháng 6 nhộn nhịp hơn so với ngày thường là bởi có các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn về thăm, nắm bắt tình hình đời sống người dân. Đội văn nghệ của chị em phụ nữ dân tộc Dao đỏ sặc sỡ với trang phục màu đen, khăn, mũ, dây đai màu hồng, xanh, đỏ… khiến những khuôn mặt tươi tắn thêm rạng rõ hơn. Chị Phùng Thị Chản - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ bản có nụ cười hiền thật thân thiện. Chị đưa bàn tay nắm chặt tôi như muốn giữ khách ở lại.

Bàn tay thô ráp ấy toát lên vẻ đẹp của người dân lao động, mộc mạc mà chân chất, cần cù, chắt chiu cho cuộc sống. Khi được hỏi về cuộc sống nơi ở mới thay đổi ra sao, chị Chản hồi tưởng: Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác tái định cư về bản mới, những ký ức, thói quen, tuổi thơ đã chìm sâu trong biển nước. Cả những nhọc nhằn gian lao cũng chỉ còn trong kỷ niệm. Ở bản cũ xa trung tâm huyện, đất sản xuất nhiều nhưng đất ruộng ít, chỉ có đất nương. Để gieo được hạt thóc nảy mầm tốn rất nhiều công sức, bón phân thì đất dốc nên không giữ lại được dinh dưỡng. Thành thử bỏ công sức nhiều nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu.

Chị em phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở bản Hòa Hợp còn giữ phong tục thêu thùa, may vá cho trang phục của mình/

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở bản Hòa Hợp còn giữ phong tục thêu thùa, may vá cho trang phục của mình.

Ra nơi ở mới những ngày đầu có bỡ ngỡ, khó khăn do chưa quen, song được nhà nước quan tâm hỗ trợ đầy đủ, không chỉ các chế độ chính sách về tái định cư mà các cơ quan, phòng, ban của huyện, cấp ủy, chính quyền sở tại cũng quan tâm hướng dẫn kiến thức canh tác, bón phân, chăm sóc cây trồng. Thêm vào đó, đường sản xuất được đầu tư, bà con có thể đi xe máy đến tận ruộng nên rất thuận tiện trong đi lại. Những ngày ngược dốc leo đồi làm nương đã trở thành quá khứ xa xưa…

Chỉ cần nói thế chúng tôi đã có sự so sánh đầy sắc nét về cuộc sống nơi bản cũ - bản mới, thấy được chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, mục đích cuối cùng giúp đời sống người dân giảm bớt khó khăn với phương châm: Nơi mới tốt hơn nơi cũ. Gia đình chị Chản cũng như nhiều gia đình khác nay đã lập nghiệp, xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, trồng lúa chất lượng cao, trồng chè mang lại nguồn sống dồi dào, ổn định.

Sự đổi mới này cũng được đồng chí Lò Văn Lai - Bí thư Chi bộ bản khẳng định: Hòa Hợp mới được sáp nhập từ 2 bản Tân Hợp và Hua Chăng sau chủ trương sáp nhập bộ máy chính quyền của Nhà nước ta. Từ 84 hộ, sau sáp nhập, cả bản có 231 hộ với 4 dân tộc sinh sống gồm: Thái, Dao, Mông, Khơ Mú. Về bản mới, Nhân dân không còn cảnh đi qua cầu, qua suối nữa; được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, hệ thống giao thông, thủy lợi đáp ứng sinh hoạt, sản xuất, bà con an cư ngay từ những ngày đầu, chỉ tập trung lao động để tạo ra của cải vật chất, làm “ấm cái thân” thôi!

Ông Lò Văn Lai giới thiệu các vật dụng từ thời xa xưa của người dân bản cũ.

Ông Lò Văn Lai - Bí thư Chi bộ bản Hòa Hợp giới thiệu với phóng viên các vật dụng từ thời xa xưa - nơi bản cũ.

Hòa Hợp có 70ha đất lúa, nguồn nước dồi dào, điều tiết quanh năm giúp bà con sản xuất được cả 2 vụ. Dân bản còn được cán bộ chuyên môn của huyện thường xuyên tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chủ động đầu tư phân bón, công chăm sóc nên cây trồng, vật nuôi luôn mang lại hiệu quả. Vụ chiêm xuân năng suất lúa của bản đạt 55 tạ/ha, vụ mùa năng suất đạt hơn với 45 tạ. Năm nay năng suất lúa vụ chiêm xuân của bản đạt cao hơn so với nhiều năm trước song do thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng một phần đến chất lượng thóc trong quá trình phơi sấy, bảo quản gặp khó khăn.

Kế sinh nhai của bản còn dựa vào cây chè. Từ trung tâm bản Hòa Hợp nhìn ra xa, mùa nước đổ in màu trời trong xanh, trên những quả đồi là màu xanh mướt của chè đã đến giai đoạn thu hoạch. Ông Lai nhìn lên ngọn đồi trước mặt nói thêm: Tính trung bình mỗi khẩu đủ tuổi lao động trong bản được cấp 300m2 để trồng chè. Đây là diện tích chè mới giống Kim Tuyên do huyện triển khai cho bà con trồng, nay đã đến tuổi thu hái. Những năm vừa qua dẫu dịch bệnh Covid-19 khó khăn, bà con vẫn hái chè bán cho các công ty, cơ sở thu mua ở trung tâm huyện. Hiện, giá chè búp tươi bà con bán 5.000 đồng/kg, đủ đảm bảo các khoản chi tiêu cho cuộc sống. Cả bản còn chăn nuôi trên 120 con trâu, bò và cũng đang thực hiện tái đàn lợn sau đợt dịch tả lợn Châu Phi.

Ở bản, thanh niên đi lao động ở các tỉnh miền xuôi chiếm nhiều. Gia đình nào có con lớn, không tham gia đi học cấp cao hơn thì về các công ty ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội làm công nhân. Lao động có kỷ luật, thu nhập ổn định, những người con xa quê đều tích lũy, chắt chiu vốn liếng để trở về làm giàu cho quê hương.

Đời sống người dân bản Hòa Hợp giờ đã nâng cao lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Bản giờ có 3 đội văn nghệ của 3 dân tộc, các dân tộc đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no. Các đội văn nghệ tham gia tập luyện, biểu diễn trong các dịp lễ, tết, hội thi, hội diễn của huyện, xã tổ chức. Kinh phí hỗ trợ hạn hẹp nên mỗi gia đình đóng góp 50.000 đồng để tạo nguồn quỹ cho bản và hỗ trợ đội văn nghệ tập luyện, mua nhạc cụ, đạo cụ để biểu diễn.

Bản Hòa Hợp giờ đây vẫn còn giữ được các vật dụng từ thời xa xưa của cha ông như: rổ, rá, dao, cuốc, rìu, “mặc phê” (là dụng cụ đóng dấu vào giấy của người Dao để cúng), sừng trâu dùng để gọi hồn người đã mất; dụng cụ chọc lỗ tra hạt; bộ trang phục gốc của người Dao đỏ… Những vật dụng này được bà con trưng bày ở nhà văn hóa trong mỗi dịp lễ... tái hiện lại những giá trị lịch sử của dân tộc Dao đỏ góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Khung cảnh ở Hòa Hợp lúc về chiều như một bức tranh.

Khung cảnh ở Hòa Hợp lúc về chiều đẹp như một bức tranh.

Chia tay Hòa Hợp lúc bóng chiều đã ngả. Màu trời trong xanh, vài gợn mây lãng du trên nền trời. Tiếng trẻ nhỏ nô đùa bên đống rơm rạ vừa thu hoạch, mùi khói bếp lan ra từ mỗi nếp nhà, đàn trâu béo ngậy vang lên tiếng lục lạc dẫn bước về nhà. Cuộc sống ấm no hiện hữu trên vùng đất tái định cư. Không gian ấy như tạc vào tranh, là sự thật, không còn là mơ nữa.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

laichau.gov.vn
mof
dichvucong
Đăng ký tài sản nhà nước
Fanpage
qhns
Tabmis
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập42
  • Hôm nay13,635
  • Tháng hiện tại286,905
  • Tháng trước340,122
  • Tổng lượt truy cập83,885,375
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây